Bóng đá Thanh Hóa cần một chiến lược dài hơi

Đội bóng Thanh Hóa hiện tại đang tồn tại nhờ "bầu sữa" ngân sách của tỉnh, nhưng về lâu dài, họ cần phải điều chỉnh lại hướng đi nếu không muốn tụt hậu.
Nỗi buồn đang dâng trào với những người yêu mến đội bóng xứ Thanh khi gần như chắc chắn, Thanh Hóa sẽ sở hữu một tấm vé trở về với giải hạng Nhất.

Nhưng xuống hạng dường như không phải là tất cả nỗi đau. Nguy cơ chảy máu nhân tài đang hiện hữu khi đội bóng phải chơi ở giải hạng Nhất và chưa thấy dấu hiệu cải thiện.
 
Cho đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, Thanh Hóa hoạt động chủ yếu từ khoản tiền từ ngân sách tỉnh, với khoảng 8 tỷ đồng đã được chi cho đội bóng kể từ đầu giải.

Khoản tiền cam kết tài trợ của Xi măng Công Thanh thì vô cùng nhỏ giọt và không mấy tác dụng.  Đến thời điểm này, khi đội bóng đã trở về với tỉnh và Xi măng Công Thanh đóng vai trò làm nhà tài trợ chính thì khoản tiền 4 tỷ đồng như cam kết vẫn chưa hẹn ngày giải ngân. Với một đội bóng như Thanh Hóa, khoản tiền đó vô cùng có ý nghĩa. Nó không chỉ giúp đội bóng có thêm chất xúc tác ở giai đoạn quyết định cuộc đua mà còn có ý nghĩa cho công cuộc tái thiết đội bóng ở mùa giải sau.
 
Không thể trông chờ vào đối tác chiến lược, bóng đá xứ Thanh đành tìm sự hỗ trợ của người nhà. Ngân sách tỉnh chính là bầu sữa nuôi sống đội bóng. Cách đây không lâu, tỉnh Thanh Hóa đã cấp thêm 1 tỷ đồng ngân sách bổ sung cho đội bóng. Ngay sau đó, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, các doanh nghệp địa phương đã cùng ngồi lại và đưa ra cam kết hỗ trợ tài chính cho đội bóng.
 
Sau hội nghị “Diên Hồng” này, khoản tiền 2 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp ủng hộ cho Thanh Hóa. Đó không phải là con số cuối cùng, bởi một số doanh nghiệp khác đã bật tín hiệu sát cánh cùng lãnh đạo tỉnh trong việc nuôi sống đội bóng.
 
Có thể, trong giai đoạn hiện tại, Thanh Hóa sẽ không thiếu tiền nhờ sự quan tâm của lãnh đạo và các doanh nghiệp trong tỉnh. Nhưng về lâu dài, họ không thể sống với bầu ngân sách của tỉnh và sự giúp đỡ của người nhà mà cần một hướng đi đúng nếu không muốn bị tụt hậu.
 
Sau cú sốc với Xi măng Công Thanh, lãnh đạo Thanh Hóa tỏ ra “cảnh giác” với những lời cam kết từ doanh nghiệp. Họ sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi “gả bán” đứa con tinh thần cho một mạnh thường quân nào đó.
 
Chắc một điều, dù thế nào thì Thanh Hóa cũng cần một nguồn tài chính dồi dào để tái thiết đội bóng. Trước tiên là một chế độ đãi ngộ tốt để giữ chân những cầu thủ tốt nhất làm nòng cốt cho đội.
 
Hiện tại, cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Thanh Hóa là tiền vệ Hoàng Đình Tùng đã nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các đại gia. Nếu Thanh Hóa không có được trợ lực tài chính đủ mạnh, có thể Đình Tùng sẽ dứt áo ra đi như những: Xuân Hợp, Tiến Thành, Trọng Hải… Bên cạnh đó, người ta đang nghĩ đến việc kêu gọi những cầu thủ gốc Thanh Hóa trở về.
 
Muốn vậy, họ cần có tiền. Mà tiền thì không thể đến từ ngân sách bởi ở Thanh Hóa rất nhiều ngành cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo tỉnh. Phải xã hội hóa bóng đá mới hy vọng tìm được những cú hích về tài chính nhằm nuôi sống đội bóng. Muốn vậy, cần một chiến lược dài hơi, hơn là việc vội vàng tin vào những lời có cánh như với Xi măng Công Thanh trước kia./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục