Brussels bị khủng bố và cái nhìn từ nơi lẩn trốn của Salah Abdeslam

"Tại sao các vị lại tới đây? Ở Molenbeek, mọi chuyện đều ổn. Hãy tới nhà ga Maelbeek đi," một người Hồi giáo lớn tiếng nói với phóng viên của nhật báo Italy La Repubblica.
Brussels bị khủng bố và cái nhìn từ nơi lẩn trốn của Salah Abdeslam ảnh 1 Cảnh sát Bỉ làm nhiệm vụ tại khu vực gần ga tàu điện ngầm Maalbeek ở Brussels sau vụ tấn công ngày 22/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

"Tại sao các vị lại tới đây? Ở Molenbeek, mọi chuyện đều ổn. Hãy tới nhà ga Maelbeek đi," một người Hồi giáo lớn tiếng nói với phóng viên của nhật báo Italy La Repubblica. "Quả bom đã nổ ở đấy. Hãy tới đi."

Tại Molenbeek, nơi trú ẩn của Salah Abdeslam - kẻ khủng bố Paris duy nhất còn sống sót, và đã chứng kiến hắn bị bắt vào thứ Sáu tuần trước, bây giờ người ta tiếp đón các phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây như thế.

Mỗi khi châu Âu xảy ra một chuyện gì đó liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, người ta tìm đến khu dân cư có đa số là người theo đạo Hồi của thủ đô Brussels này để tìm câu trả lời. Và người dân ở đây, sau khi bị "làm phiền" bởi ngày càng nhiều phóng viên có mặt, đang cảm thấy mệt mỏi vì bị chú ý quá nhiều.

Khu Molenbeek trông bề ngoài không hề giống một sào huyệt lớn cho những kẻ khủng bố. Ở nơi chỉ cách trung tâm Brussels vài chục phút đi bộ này, trong khi các vụ khủng bố đang diễn ra, người ta vẫn sống rất bình thường. Các cửa hàng vẫn mở, công viên đầy trẻ con, thanh niên thì nói chuyện sôi nổi về bóng đá ở một câu lạc bộ cổ động viên của đội PSV Eindhoven.

Sự có mặt của quân đội và cảnh sát trên các đường phố không làm xáo trộn cuộc sống ở phần còn lại của Brussels. Nhưng dường như ở đây, ai cũng sẵn sàng nói một điều gì đó về bọn sát nhân.

Một người gốc Algeria nói: "IS đã làm xấu đi hình ảnh của đạo Hồi. Bạn có thể nghĩ tất cả những người theo Hồi giáo là khủng bố. Nhưng chúng tôi không có dính líu gì đến chúng."

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, sự ngờ vực tồn tại, nhất là ở đây. Người dân ở Molenbeek không thể phủ nhận được rằng, một đường dây "quen biết" đã che chở cho Abdeslam và những kẻ khủng bố ở đây trước hắn đã tồn tại, và có thể vẫn đang tồn tại một cách bí mật.

Nhưng không phải ai trong cái khu rộng lớn nhưng có mật độ dân số rất đông này, chủ yếu là người gốc Bắc Phi, cũng đồng tình với những kẻ đã bảo vệ bọn khủng bố.

Là một trong số rất ít những người Molenbeek chấp nhận nói chuyện với các phóng viên, Mohammed - một người Maroc 49 tuổi từng có một thời gian dài sống ở Rome, Italy, nói: "Bọn khủng bố là những kẻ điên loạn đã làm mất đi ý nghĩa của đạo Hồi. Các anh có biết nước Bỉ là gì với chúng tôi không? Đấy là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Chúng tôi không cảm thấy mình là người Bỉ, mà chúng tôi đích thực là người lính Bỉ. Chúng tôi sẽ là những người đầu tiên đứng lên cầm súng bảo vệ nước Bỉ. Tại sao chúng tôi lại tự hủy hoại mình?"

Phía bên kia của dòng kênh là một Brussels bị tấn công. Các cuộc tấn công vào sân bay và nhà ga tàu điện ngầm đã khiến trung tâm thủ đô nước Bỉ tê liệt trong cả ngày. Những cuộc tìm kiếm và cấp cứu nạn nhân vẫn còn tiếp tục.

Những ga tàu điện ngầm bị đóng lại, xe buýt hầu như không hoạt động, taxi cũng ít hẳn, Brussels buổi chiều sống trong tiếng xe cấp cứu, tiếng còi cảnh sát ở khắp nơi, trong khi cảnh sát và lực lượng đặc biệt đang đi truy lùng bọn khủng bố cũng như những quả bom còn được để lại ở đâu đó, sẵn sàng phát nổ.

Tại trụ sở của Ủy ban châu Âu, một lá cờ rủ được treo lên để tưởng nhớ đến những nạn nhân vô tội của các vụ tấn công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục