Bức tranh về kinh tế Italy đã bớt dần những gam màu tối

Theo Cơ quan thống kê nhà nước Italy, sự phục hồi kinh tế nước này chưa rõ ràng nhưng bắt đầu từ năm 2014, số hộ nghèo đã không tăng thêm, các hộ dưới mức đói nghèo cũng ít bị ảnh hưởng.
Bức tranh về kinh tế Italy đã bớt dần những gam màu tối ảnh 1Khoảnh khắc đời thường của người dân Rome. (Nguồn: news.nationalgeographic.com)

Mức chi tiêu của người tiêu dùng Italy còn thấp, các chỉ số kinh tế chưa ổn định, bản thân nền kinh tế vẫn đang vật vã thoát khỏi khủng hoảng kéo dài, nhưng người dân đã lạc quan hơn vào tương lai, vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Đó là những kết luận được đưa ra trong một báo cáo về đời sống của người Italy trong năm 2014 mà Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) vừa công bố hôm 2/12. Báo cáo này đã vẽ lên một bức tranh về đời sống của người dân Italy  trong hoàn cảnh nền kinh tế nước này đang có những dấu hiệu phục hồi chậm và chưa rõ ràng.

Báo cáo cho thấy so với năm 2013, năm đỉnh điểm của suy thoái kinh tế kéo dài từ 2011, người dân đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa, du lịch, đã chi tiêu nhiều hơn, nhưng vẫn chưa bằng mức trước khi xảy ra khủng hoảng vào năm 2008. Điều đặc biệt là mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa miền Bắc và miền Nam Italy ngày càng lớn hơn.

Theo ISTAT, thu nhập bình quân của người Italy trong năm 2014 tăng 0,7% so với năm trước đó và xu hướng tăng này tiếp tục được duy trì trong năm 2015. Tuy nhiên, sự thiếu công bằng trong việc phân chia lợi nhuận cũng trở nên lớn hơn.

Tỷ lệ chênh lệch thu nhập 20% dân số giàu nhất nước và 20% dân số nghèo nhất đã tăng từ 5,1 lần lên 5,8 lần trong năm ngoái. Tình trạng đói nghèo không giảm, nhưng trong năm 2014 cũng không tăng số hộ nghèo, đặc biệt là những gia đình có từ 4​-5 nhân khẩu.

Cũng theo ISTAT, sự phục hồi kinh tế chưa rõ ràng, nhưng bắt đầu từ năm 2014, đã không có tác động gì đối với những gia đình dưới mức đói nghèo.

Báo cáo cho thấy, 15% số người trên 16 tuổi ở miền Nam Italy không có tiền để mua quần áo mới, 20% không thể tham gia các hoạt động xã hội vì thiếu tiền, 33% không đủ khả năng kinh tế để thay thế đồ đạc cũ hỏng.

Ngoài ra, 7% số trẻ em miền Nam không được tổ chức sinh nhật vì cha mẹ không có tiền, 16% số trẻ em không thể tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường hoặc đi dã ngoại.

Tuy nhiên, bức tranh không chỉ có màu xám xịt. ISTAT cho biết lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng nổ ra vào năm 2008, tỷ lệ người có việc làm đã tăng, dù vẫn thấp hơn tỷ lệ của các nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù vậy, sự bấp bênh của nền kinh tế ảnh hưởng đến thị trường lao động đã khiến cho tỷ lệ người bị bắt buộc phải làm việc bán thời vụ tăng gấp đôi so với tỷ lệ chung của EU, chiếm 23% lực lượng lao động ở Italy và thường là có trình độ bằng cấp cao hơn hẳn so với yêu cầu của công việc.

Tỷ lệ người có khả năng mất việc cũng tăng từ 85,7% lên 88,6%. Điều đáng chú ý là số người có việc làm tăng hơn trước không phải do sự điều tiết của thị trường từ những cải cách kinh tế của chính phủ, mà là dân số Italy đang già đi, khiến tuổi về hưu của người lao động tăng lên. Năm 2014, số người lao động có tuổi trên 50 đã tăng 3,5%.

ISTAT cũng cho biết tỷ lệ số người lạc quan với tương lai đã tăng từ 24% năm 2013 lên 27% năm 2014, khi cho rằng tình hình kinh tế sẽ được cải thiện hơn trong vòng 5 năm tới. Tỷ lệ người bi quan với hoàn cảnh đất nước cũng giảm xuống còn 18% từ 23,3%.

Niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế cũng tăng lên, trong khi đó, các số liệu cũng cho thấy người miền Nam Italy ít hài lòng nhất với cuộc sống, trong khi gần một nửa số người miền Bắc hài lòng với hiện tại.

Mặc dù vậy, ngày càng nhiều người Italy kêu ca về chất lượng cuộc sống hơn. Cứ 5 người Italy thì 1 người kêu ca về sự xuống cấp về điều kiện sống ở địa phương mình. Người dân cũng kêu về chất lượng nước sinh hoạt cũng như việc thu gom và xử lý rác thải của địa phương.

Bà Linda Sabbadini, Giám đốc ISTAT cho rằng: "2014 là một năm có ý nghĩa chuyển đổi. Đà suy thoái đã ngừng lại và nền kinh tế đã có những dấu hiệu đầu tiên của sự phục hồi. Đời sống xã hội, bị ảnh hưởng nặng nề do khủng hoảng, cũng đã được cải thiện. Tuy nhiên, sự chênh lệch về lao động và an toàn xã hội giữa miền Nam và miền Bắc Italy đang rộng ra. Mức sống ở miền Nam thấp hơn và tình trạng việc làm tệ hơn. Vấn đề về an ninh cũng trở nên nhức nhối hơn."

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng 2014 là năm bắt đầu có những dấu hiệu lạc quan hơn về tương lai, đặc biệt là giới trẻ, dù họ chính là đối tượng bị tác động mạnh mẽ nhất của khủng hoảng kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục