Bùng phát việc dựng nhà để chờ đền bù ở tỉnh Đắk Nông

Nhiều tháng nay, hàng loạt căn nhà tạm bợ với diện tích “khủng” được dựng lên liền kề với các dự án lớn đang triển khai tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông.
Bùng phát việc dựng nhà để chờ đền bù ở tỉnh Đắk Nông ảnh 1Một căn nhà có diện tích trên 300m2 xây tạm bợ với mục đích chờ đền bù. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Nhiều tháng nay, hàng loạt căn nhà tạm bợ với diện tích “khủng” được dựng lên liền kề với các dự án lớn đang triển khai tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông.

Mục đích duy nhất của chủ nhà là chờ được đền bù. Tình trạng này dẫn tới lãng phí ngân sách nhà nước khi phải đền bù và tạo tiền lệ xấu trong việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong tương lai.

Bùng phát dựng nhà chờ… đền bù

Theo chân cán bộ xã Nhân Cơ, chúng tôi đến một “điểm nóng” về dựng nhà chờ đền bù. Đó là tuyến đường nối Quốc lộ 14 cũ (hiện nay là đường Hồ Chí Minh) để vào khu công nghiệp Nhân Cơ. Tuyến đường có chiều dài khoảng 4km. Bề ngang mặt đường 12m và đi qua nhiều khu vực là rẫy càphê, vườn cao su của người dân.

Tại đây, hàng loạt căn nhà được dựng lên ven con đường đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Đây đều là nhà bằng gỗ tạp, được dựng lên tạm bợ. Trước nhà không có đường vào, bên trong cũng chẳng có vật dụng gì. Một số cán bộ xã Nhân Cơ gọi vui đây là mô hình “nhà-vườn kết hợp,” vì bên trong nhà vẫn còn cây cối mọc um tùm.

Những căn nhà này được dựng lên rất chuyên nghiệp; các đối tượng tập kết gỗ tạp từ nơi khác đến và được tổ chức làm nhà rất nhanh (chỉ khoảng 1 buổi hoặc chỉ 2-3 tiếng đồng hồ với cả chục người tham gia). Nhà được dựng lên rất tạm bợ, chủ yếu là bốn vách gỗ xung quanh và lợp tôn bên trên. Cột, kèo nhiều căn nhà chỉ bằng… bắp chân. Theo lời một cán bộ xã, đi kiểm kê nhưng không dám vào trong vì sợ… sập và dĩ nhiên những căn nhà như vậy chẳng sử dụng được vào việc gì, chỉ làm xong rồi để đó.

Khi thấy có người quay phim, ghi hình một căn nhà có một người phụ nữ xuất hiện và tỏ ra khó chịu khi biết chúng tôi là phóng viên. Chị cho rằng nhà chị được dựng lên kế bên tuyến đường nối từ Quốc lộ 14 vào khu công nghiệp Nhân Cơ là hoàn toàn ngẫu nhiên. Mặc dù hiện nay nhà bỏ hoang nhưng cứ đến mùa màng là có người ở và nơi đây đường sá xa xôi nên phải có chòi rộng vậy để tập kết cà phê.

Đến vị trí đang triển khai xây dựng đường dây điện 220kV nối từ trạm 500kV vào khu công nghiệp Nhân Cơ. Tại đây, nhiều căn nhà siêu rộng, thậm chí có căn lên đến gần 400m2, được làm hết sức tạm bợ dưới tán cao su.

Bên trong các căn nhà này, gỗ tạp được dựng lên làm vách, cột kèo cũng tạm bợ, nhiều lúc là tận dụng thân cây cao su; mái tôn bên trên cũng đủ màu sắc, mới có cũ có.

Chủ các ngôi nhà này còn sáng kiến lót sàn bằng các loại gỗ tạp, hoặc dựng lên thêm một tầng bên trong cũng bằng gỗ. Thậm chí, là đào giếng phía sau nhà và giăng mùng tại một số vị trí trong nhà.

Chủ nhà làm vậy là để chứng minh nhà có người ở và khi kiểm kê đền bù thì được nhiều hơn. Đáng chú ý hơn, phía trước một số căn nhà đều có ghi rõ họ tên một người. Theo các cán bộ xã, đó là tên của chủ nhà, mục đích là để cơ quan chức năng dễ liên hệ khi… cần thiết.

Theo một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Nhân Cơ, thời gian qua, một số dự án lớn triển khai trên địa bàn xã đã bị rò rỉ thông tin trước khi ngành chức năng của xã, của huyện nắm được vị trí sẽ triển khai. Một số “đầu nậu” đã mua, thuê đất và mồi chài người dân làm nhà để chờ được đền bù. Phải mất vài tháng sau, Ủy ban Nhân dân xã mới nắm được quy hoạch chi tiết, lúc đó một số căn nhà đã được dựng lên.

Cũng theo vị lãnh đạo này, có lần ông được một “đầu nậu” hỏi thăm về một số vị trí nằm trong diện thu hồi đất để mở đường qua địa bàn xã. Ông chia sẻ, ông rất bất ngờ vì chưa từng nghe tới dự án này. Khi được “đầu nậu” này cho xem quy hoạch chi tiết, kế hoạch triển khai dự án ông vẫn chưa tin. Nhưng vài tháng sau thì dự án được công bố chính thức.

Theo Ủy ban Nhân dân xã Nhân Cơ, việc bùng phát nhà chờ đền bù hiện nay trên địa bàn xã cũng một phần là do tiền lệ xấu. Trước đây, khi giải phóng mặt bằng thi công một số đường dây truyền tải điện, nhà thầu hay xin Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chủ trương vướng chỗ nào gỡ chỗ đó cho kịp tiến độ. Kết quả là một số căn nhà được dựng lên sau thời điểm công bố quy hoạch vẫn được hỗ trợ cải tạo hoặc di dời, tiền hỗ trợ này cũng tương đương 60-70% tiền đền bù.

Cần ngăn chặn tận gốc

Bùng phát việc dựng nhà để chờ đền bù ở tỉnh Đắk Nông ảnh 2Bên trong các ngôi nhà tạm. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Ông Lê Quang Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nhân Cơ cho biết, các lý do người dân đưa ra để giải thích cho việc làm nhà đều không chính đáng. Không có chuyện một vườn rẫy mà cần tới kho bỏ vật liệu, nông sản lên tới hàng trăm mét vuông. Làm chòi canh trộm thì càng không hợp lý và rõ ràng, nếu chỉ căn cứ vào việc dựng nhà trước hay sau thời điểm công bố quy hoạch để xác định đền bù sẽ tạo ra lỗ hổng lớn để các đối tượng “đầu nậu” trục lợi.

Còn ông Hoàng Văn Châu, Trưởng thôn 12, xã Nhân Cơ bày tỏ, việc kiểm tra, phát hiện tình trạng xây dựng nhà trái phép từ trước đến nay được giao cho Ban tự quản thôn. Hiện, Ban tự quản thôn 12 có 3 nhân sự là đồng chí trưởng thôn, phó thôn và công an viên thôn. Trong khi địa bàn rộng, dàn trải, dân cư thưa, nhiều khu vực các dự án đi qua rất hẻo lánh, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn nên việc phát hiện xây nhà trái phép đã khó, xử lý còn khó hơn vì nhiều khi sợ bị… trả thù. Hoặc, khi phát hiện thì… sự đã rồi.

“Nhà đầu tư và các cơ quan chức năng cần bố trí lực lượng chuyên kiểm tra, quản lý vấn đề này. Chứ giao hẳn cho thôn như hiện này thì không hiệu quả vì thực tế thôn không làm nổi.” - ông Châu nói,

Còn ông Lê Quang Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nhân Cơ cho biết, để ngăn chặn căn cơ, tận gốc vấn đề này không khó. Vấn đề chính là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với nhau. Trước khi tiến hành kiểm tra thực địa hoặc công bố quy hoạch, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương. Chính quyền địa phương sẽ thông báo cho dân và phối hợp với các cơ quan của huyện, của tỉnh tiến hành lập biên bản hiện trạng nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng của các hộ dân nằm trong diện thu hồi và tổ chức ký kết với dân.

“Đây sẽ là căn cứ để xử lý các thay đổi, phát sinh khi tiến hành thu hồi đất. Đối với các phát sinh không chính đáng, ngành chức năng sẽ căn cứ trên biên bản hiện trạng đã được ký kết để loại bỏ. Đáng chú ý, liên quan tới nội dung này, Ủy ban Nhân dân xã Nhân Cơ đã kiến nghị các ngành chức năng nhiều lần, lần đầu tiên đã cách đây… 10 năm nhưng mọi việc đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. “ – ông Trường bày tỏ.

Ủy ban Nhân dân xã Nhân Cơ hiện đang phối hợp với các ngành chức năng xiết chặt cơ chế thẩm định, đền bù và kiên quyết loại bỏ các căn nhà được dựng lên chỉ với mục đích nêu trên. Đồng thời, đã lập biên bản hơn 70 căn nhà được dựng lên chỉ với mục đích nhận tiền đền bù và đang xin chủ trương của huyện để xử lý. Phương hướng của xã là kiên quyết loại bỏ các căn nhà này ra khỏi danh sách đền bù. Khi được huyện đồng ý, xã sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, trên địa bàn xã Nhân Cơ đang triển khai 4 dự án lớn, bao gồm: giai đoạn 3 khu công nghiệp Nhân Cơ; đường dây 220kV từ trạm 500kV vào nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông; đường nối từ Quốc lộ 14 cũ (nay là đường Hồ Chí Minh) vào khu công nghiệp Nhân Cơ; và đường Đạo Nghĩa (huyện Đắk Rlấp) đi xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong). Đây đều là những dự án trọng điểm, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và có diện tích đất thuộc diện giải tỏa, đền bù lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục