Bước đầu thực thi tài chính, ngân hàng xanh ở VN

Các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trao đổi kinh nghiệm và một số hoạt động của Việt Nam về lĩnh vực Tài chính và Ngân hàng xanh.
Ngày 25/6, tại Hà Nội, chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo "Giới thiệu về Tài chính và Ngân hàng xanh” với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo tập trung trao đổi về các kinh nghiệm quốc tế cũng như một số hoạt động, chính sách bước đầu của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực “Tài chính và Ngân hàng xanh.”

Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuổn khổ của Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô do GIZ thực thi tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã trình bày các kinh nghiệm liên quan đến tài khóa xanh và thuế môi trường trong khuôn khổ cải cách về chính sách tài khóa cũng như giới thiệu cụ thể về hạn mức tín dụng xanh tại các quốc gia phát triển.

Phía Việt Nam, các diễn giả đã làm rõ mối tương tác giữa chiến lược tăng trưởng và tài chính xanh, các vấn đề liên quan đến thuế môi trường, rủi ro môi trường trong tín dụng ngân hàng và niêm yết chứng khoán.

Các khung chính sách đã bước đầu được giới thiệu, tạo tiền đề cho các Bộ ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học tiếp tục đóng góp ý kiến, đề xuất và hoạch định những chính sách cụ thể và dài hạn.

Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Kim Anh, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh dựa trên kinh nghiệm quốc tế, để thực thi chiến lược “tăng trưởng xanh” rất cần sự đồng thuận xã hội và sự phối hợp giữa các bộ ngành, nhằm cân bằng về mặt lợi ích bảo vệ môi trường và nhu cầu tăng trưởng kinh tế.

Đối với các quốc gia mới nổi như Việt Nam, trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp và khó khăn, vai trò của tài chính và ngân hàng xanh có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải được sự tham gia ngay từ đầu của các thành phần trong xã hội, bên cạnh các công cụ về chính sách thuế và chính sách tài khóa.

Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2012 cho giai đoạn từ năm 2011 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Việc thực hiện “Chiến lược tăng trưởng xanh” cùng với “Chiến lược chống biến đổi khí hậu” ban hành năm 2011, không chỉ góp phần vào việc bảo vệ môi trường, giảm khí thải, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp chuyển đổi tái cơ cấu nền kinh tế tạo ra sự phát triển bền vững cho nền kinh tế và đất nước./.

PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục