Bước đột phá thúc đẩy quá trình sửa đổi Hiến pháp ở Nepal

Các đảng chính trị Nepal ký kết thỏa thuận phân định ranh giới các bang trong nước, một bước tiến lớn thúc đẩy quá trình sửa đổi Hiến pháp.
Bước đột phá thúc đẩy quá trình sửa đổi Hiến pháp ở Nepal ảnh 1Thủ tướng Nepal Sushil Koirala. (Nguồn: india.com)

Ngày 9/8, Thủ tướng Nepal Sushil Koirala tuyên bố các đảng chính trị nước này đã ký kết một thỏa thuận phân định ranh giới các bang trong nước, một bước tiến lớn thúc đẩy quá trình sửa đổi Hiến pháp theo hướng liên bang hóa đất nước.

Theo thỏa thuận mới, số bang của Nepal được rút từ tám xuống còn sáu. Mỗi bang đều có chung biên giới với Ấn Độ nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng của các bang với những thị trường lớn của khu vực.

Quy định về quốc tịch cũng được nới lỏng, từ nay một người chỉ cần có cha hoặc mẹ là công dân Nepal, thay vì cả hai cha mẹ như trước kia, là sẽ được nhận quốc tịch nước này.

Thỏa thuận mới ký vào rạng sáng 9/8 đã giải quyết được vấn đề khúc mắc lớn nhất trong quá trình sửa đổi Hiến pháp từ năm 2008 mà không cần đến ủy ban liên bang, cơ quan trước đó được trao nhiệm vụ này.

Sau khi thỏa thuận được ký, Thủ tướng Sushil Koirala tin tưởng rằng bản Hiến pháp quy định liên bang hóa đất nước và phân định ranh giới từ nay đã được đảm bảo. Ông cũng kêu gọi mọi người dân bỏ qua những bất đồng nhỏ và tập trung vào nhiệm vụ tái thiết và phát triển đất nước, ám chỉ đến những bất đồng giữa các đảng đối lập xung quanh việc thành lập các bang mới dành riêng cho những cộng đồng có truyền thống biệt lập với xã hội như cộng đồng người Madhesi.

Sau khi chịu thiệt hại nặng nề về người và của do thảm họa động đất tháng 4 và tháng 5, hồi tháng Sáu, các đảng phái tại Nepal đã nhất trí về nguyên tắc chia lãnh thổ đất nước thành tám bang, chấm dứt nhiều năm bất đồng về hiến pháp mới nhằm ổn định đất nước sau cuộc nội chiến và bãi bỏ chế độ quân chủ.

Các chính đảng cũng đã quyết định về số nghị sĩ của quốc hội lưỡng viện, theo đó, hạ viện sẽ gồm 275 thành viên và thượng viện có 45 thành viên.

Về mô hình bầu cử, các chính đảng thống nhất tổ chức một hệ thống bầu cử hỗn hợp, với 60% số ghế của cơ quan lập pháp sẽ được bầu trực tiếp và 40% còn lại được bầu theo tỷ lệ đại biểu; thủ tướng sẽ được bầu ra bởi đa số phiếu trong hạ viện trong khi tổng thống sẽ đóng vai trò nghi lễ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục