Bước thụt lùi trên con đường quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Các chuyên gia đánh giá rằng trong 10 năm qua, cùng với việc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Bước thụt lùi trên con đường quốc tế hóa đồng nhân dân tệ ảnh 1Kiểm đồng Nhân dân tệ tại một ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Các chuyên gia đánh giá rằng trong 10 năm qua, cùng với việc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Dấu mốc đáng chú ý cho những nỗ lực này là việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 30/9/2016 chính thức cho phép đồng nhân dân tệ tham gia giỏ đồng tiền dự trữ quốc tế (gọi tắt là SDR) cùng các đồng tiền mạnh như USD, euro, yen và bảng Anh. Tuy vậy, các chuyên gia tiền tệ tại Anh lưu ý rằng những diễn biến trên thị trường tài chính thời gian qua cũng như những thay đổi trong chính sách quản lý ngoại hối gần đây của Trung Quốc có thể cản bước đồng nhân dân tệ trong nỗ lực trở thành đồng tiền toàn cầu.

Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ từ năm 2010, thông qua chính sách mở cửa thị trường tài chính trong nước, song song với việc tiến hành các cải cách tài chính.

Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các quy định về quản lý ngoại hối, theo đó cho phép các tổ chức nước ngoài được đầu tư không giới hạn trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng trị giá trên 8.000 tỷ nhân dân tệ, đồng thời cho phép các nhà đầu tư quốc tế mua bán cổ phiếu của các công ty Trung Quốc thông qua các tổ chức tài chính tại Hong Kong.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các chính sách theo xu hướng tự do hóa tài chính đang gây áp lực lên hệ thống tài chính Trung Quốc và đồng nhân dân tệ.

Thêm vào đó, việc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) quyết định cắt giảm lãi suất hồi năm ngoái càng khiến cho đồng nhân dân tệ thêm giảm giá, đồng thời làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản bằng đồng nhân dân tệ trong mắt giới đầu tư. Điều này đã thôi thúc không ít các nhà đầu tư tìm cách thoái lui khỏi thị trường Trung Quốc và hạn chế nắm giữ đồng nhân dân tệ.

Giới chuyên gia cho rằng 2016 có thể coi là một trong những năm “xấu” đối với đồng nhân dân tệ, khi giá đồng tiền này rớt xuống thấp nhất trong 8 năm qua. Đồng nhân dân tệ được sử dụng trong thanh toán khoảng 16% tổng số các giao dịch quốc tế của Trung Quốc, giảm đáng kể so với tỷ trọng 26% của năm 2015.

Trong khi đó, lượng tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ tại Hong Kong - trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục - giảm 30% so với mức cao nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ hồi năm 2014. Các tổ chức và cá nhân nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 3.300 tỷ nhân dân tệ tài sản tài chính của Trung Quốc, giảm gần 30% so với mức cao kỷ lục 4.600 tỷ nhân dân tệ hồi tháng 5/2015. Trên thị trường ngoại hối toàn cầu, nhân dân tệ là đồng tiền giao dịch phổ biến thứ tám, đồng nghĩa với việc đồng tiền này hầu như không có bước tiến nào kể từ năm 2013.

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt chính sách quản lý ngoại hối, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển tiền và đầu tư ra nước ngoài, nhằm hỗ trợ đồng nhân dân tệ cũng như ngăn chặn tình trạng sụt giảm của dự trữ ngoại hối. Trong suốt 18 tháng qua, PBoC đã bán ra ngoại tệ để “bảo vệ” đồng nhân dân tệ. Dự trữ ngoại hối của nước này tính đến cuối tháng 11/2016 giảm còn 3.050 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức cao 4.000 tỷ USD hồi tháng 7/2014.

Những người ủng hộ bước đi này của PBoC cho rằng đây là hành động quyết liệt để hạn chế đà rớt giá của đồng nhân dân tệ, bởi nó giúp ngăn chặn hoạt động bán đồng nhân dân tệ ồ ạt ra thị trường. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng các biện pháp can thiệp ngoại hối quy mô lớn cũng chẳng thể trì hoãn sự điều chỉnh về tỷ giá của đồng tiền này.

Thắt chặt quản lý là bước đi cần thiết đối với Trung Quốc trong bối cảnh cán cân thanh toán của nước này đang chịu áp lực không nhỏ, song giới phân tích cho rằng đây cũng có thể là bước lùi trong nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nâng cao vai trò của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.

Ông Brad Setser, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng giữa chính sách ổn định tài chính trong nước và yêu cầu về tự do chuyển đổi của một tiền tệ toàn cầu luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc giờ đây nhận ra rằng có lẽ họ chưa sẵn sàng cho tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục