Ca ghép gan cho bệnh nhân cao tuổi nhất thành công

Bệnh viện Việt Đức ghép gan thành công cho một cụ ông 74 tuổi, đây là bệnh nhân cao tuổi nhất của VN được ghép gan cho đến nay.
Chiều 7/5, Giáo sư Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết các bác sỹ của bệnh viện vừa ghép gan thành công cho bệnh nhân N.K.V, 74 tuổi ở Hà Nội từ người cho sống.

Đây là trường hợp người được ghép gan cao tuổi nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này.

Giáo sư Quyết cho biết sau gần một ngày được ghép gan, sức khỏe người cho và người nhận đã ổn định và không có dấu hiệu thải ghép ở người được nhận phần gan mới.

Ca ghép đã hoàn tất vào tối 6/5 sau hơn bảy giờ đồng hồ nhóm phẫu thuật thực hiện cắt và ghép gan.

Theo các bác sỹ, người được ghép gan là một bệnh nhân bị ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối nên chức năng gan rất kém, nếu không được ghép sớm, nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh nhân được nhận phần gan hiến từ người họ hàng 40 tuổi. Để thực hiện ca ghép này, các bác sỹ đã lấy thùy gan bên phải của người cho để ghép cho người nhận.

Trước đó, tại bệnh viện cũng đã có một số trường hợp được ghép gan từ người cho sống.

Theo các chuyên gia y tế, ghép gan từ người trưởng thành khó hơn so với ghép cho trẻ em vì đối với người lớn, kíp phẫu thuật sẽ phải lấy ít nhất một nửa gan của người hiến (trong khi với trẻ em, lượng gan lấy ghép chỉ khoảng một phần ba), vì vậy rủi ro và phức tạp hơn nhiều.

Hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng một phần ba trong khu vực và trên thế giới. Một ca ghép thận tại các nước cùng khu vực là khoảng 35.000 USD, trong khi tại bệnh viện Việt Đức chỉ từ 200 đến 230 triệu đồng.

Ca ghép gan đầu tiên từ người chết não thực hiện tại bệnh viện Việt Đức, chi phí cũng chỉ hết 500 triệu đồng, trong khi ở các nước trên thế giới là khoảng 1-1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như các nước rất khan hiếm nguồn tạng. Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia đã sử dụng 90% nguồn tạng cho được lấy từ người chết não, chỉ khoảng 10% là từ người cho sống.

Riêng ở Việt Nam, các ca ghép thận, gan lại chủ yếu là từ người cho sống, là người thân của bệnh nhân, còn nguồn tạng hiến từ ca bệnh tử vong hoặc đột tử không nhiều .

Nguyên nhân là do tâm lý, luật pháp và các quy định của Việt Nam chưa được đầy đủ, thêm vào đó, quan niệm "chết toàn thây” vẫn còn đè nặng trong xã hội. Đó là khó khăn lớn trong việc thực hiện ghép tạng tại Việt Nam./.

Nhật Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục