Cà Mau mất trắng mùa cua do thời tiết khắc nghiệt

Thời tiết khắc nghiệt khiến các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời mất trắng vụ mùa nuôi cua, thiệt hại trên 3 tỷ đồng,
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nông dân các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời mất trắng một vụ mùa nuôi cua, thiệt hại trên 3 tỷ đồng, đời sống của hàng ngàn hộ dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Bà Trần Thị Thới, ở ấp Tân Phong, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước cho biết: Do nuôi tôm bấp bênh nên từ 3 năm nay, bà con trong vùng chuyển sang nuôi cua. Nuôi cua không cần chi phí lớn, kỹ thuật nuôi cũng không quá phức tạp, cua được thả nuôi chung với ao đầm nuôi tôm, không cần cho thức ăn, 3 tháng sau cua có trọng lượng 4 con/kg. Giá cua bán ra thị trường lúc cao điểm lên tới 600.000 đồng/kg nhưng hiện nay giảm xuống còn 300.000 đồng/kg. Vụ mùa này, bà con không có thu nhập do 2 lần thả nuôi, cua đều chết sạch.

Nguyên nhân vụ nuôi cua năm nay thất bại là do hạn hán làm ao đầm không có nước, con cua cùng chung số phận với con tôm. Nuôi cua là hình thức sản xuất tự phát của đại bộ phận nông dân vùng nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Cà Mau. Nuôi cua trên đất nuôi tôm đã trở thành mô hình lý tưởng, ngày càng được mở rộng. Hiện nay có trên 3.000ha đất nuôi tôm kết hợp với nuôi cua, cho thu nhập mỗi năm từ 70 triệu đồng trở lên. Hàng năm vào mùa khô, bà con thường thả cua nuôi, tuy là nuôi trái mùa nhưng hiệu quả rất tốt. Năm nay, lần đầu tiên người nuôi cua gặp thất bát nặng nề do thời tiết khắc nghiệt.

Ông Lý Văn Thuận - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau cho biết gần đây cua đã được xuất khẩu, mở ra triển vọng cho người nông dân. Tỉnh đã quy hoạch mở rộng diện tích nuôi cua kết hợp với nuôi tôm đến năm 2015 là 10.000ha.

Tuy nhiên, nghề nuôi cua cũng cần phải chú ý, giá cua liên tục sụt giảm, người dân chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật nuôi cua, nguồn giống luôn thiếu hụt làm cho người nuôi cua luôn bị động. Nếu không có biện pháp khắc phục sớm thì dễ rơi vào tình trạng thiếu bền vững như nghề nuôi tôm.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Sử - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, nuôi cua được tỉnh quy hoạch trong chiến lược phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020; trong đó có nhiều biện pháp khuyến khích, hỗ trợ người nuôi cua như xây dựng chương trình phát triển giống, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vốn và chương trình chế biến cua xuất khẩu. Với những chương trình, mục tiêu cụ thể, nghề nuôi cua ở tỉnh Cà Mau sẽ phát triển đúng hướng, giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình./.

Trần Thành Nên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục