Các bên xung đột Libya tiến hành cuộc đối thoại tại Algeria

Ngày 10/3, cuộc đối thoại giữa các phe phái xung đột ở Libya đã khai mạc tại thủ đô Algiers của Algeria nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chính trị.
Các bên xung đột Libya tiến hành cuộc đối thoại tại Algeria ảnh 1 Toàn cảnh phiên đàm phán. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, ngày 10/3, cuộc đối thoại giữa các phe phái xung đột ở Libya đã khai mạc tại thủ đô Algiers của Algeria nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài 4 năm qua.

Cuộc đối thoại do Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) bảo trợ, với mục tiêu thúc đẩy các bên ở Libya đi đến một giải pháp đồng thuận hướng tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp. Cuộc đối thoại có sự tham gia của 15 nhân vật chủ chốt ở Libya.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Phi và châu Phi của Algeria, ông Abdelkader Messahel nhấn mạnh hội nghị này là điểm khởi đầu đầy hứa hẹn để thực hiện sự thống nhất mà nhân dân Libya mong muốn là thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Ông kêu gọi người dân Libya kiên nhẫn" nhằm đạt "đồng thuận quốc gia."

Về phần mình, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Đại diện UNSMIL Bernardio Leone khẳng định đây là một diễn đàn chính trị chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chính trị tại Libya.

Ông Leone nhấn mạnh "giải pháp nằm trong đối thoại," đồng thời kêu gọi các bên cùng nỗ lực đạt thỏa thuận để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Theo kế hoạch, Liên hợp quốc cũng sẽ làm trung gian tổ chức một cuộc đàm phán giữa hai Quốc hội đối địch đang tồn tại song song ở Libya, dự kiến diễn ra tại Maroc trong ngày 11/3.

Tuy nhiên, theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, ngày 10/3, Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya (HoR) đã đề nghị UNSMIL hoãn vòng đàm phán tại Maroc để thảo luận kỹ hơn về đề xuất thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.

Người phát ngôn HoR Faraj Bohashim cho biết HoR đã soạn thảo lộ trình thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của một thỏa thuận bằng văn bản xác định vị thế pháp lý của chính phủ mới cũng như mối quan hệ giữa chính phủ mới và HoR.

Ông Bohashim nhấn mạnh rằng các nhà đàm phán của HoR sẽ không được phép ký bất cứ thỏa thuận nào trước khi nhận được sự phê chuẩn của HoR.

Trước đó, hôm 5/3 vừa qua, đại diện của HoR và Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn) đã tiến hành cuộc đàm phán đầu tiên tại Maroc dưới sự trung gian của Liên hợp quốc.

Nội dung đàm phán tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, bao gồm chỉ định thủ tướng tương lai và các thành viên chính phủ, các vấn đề an ninh và lộ trình soạn thảo dự thảo hiến pháp.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Libya đang đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội. Lực lượng Fajr Libya (Bình minh Libya) đang chiếm giữ thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng đồng thời hậu thuẫn GNC, trong khi chính phủ được quốc tế công nhận và quốc hội dân bầu (HoR) đã phải rời trụ sở về thành phố Al-Beida, cách Tripoli 1.200km.

Xung đột đã gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và làm ít nhất 120.000 người phải rời bỏ chỗ ở, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, trong khi số người thương vong do bạo lực ngày càng tăng.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều vòng đối thoại giữa các phe phái ở Libya. Tuy nhiên, đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên ký kết.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 9/3, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Federica Mogherini khyến cáo các bên tại Libya cần sớm thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc "trong vòng vài ngày, thay vì vài tuần."

Bà bày tỏ lo ngại IS gia tăng sự hiện diện tại Libya, nơi 21 lao động nhập cư người Cơ đốc giáo Ai Cập bị IS giết hại mới đây.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya để tạo điều kiện cho nỗ lực của ông Leon thúc đẩy các bên xung đột ở nước này đạt thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục