Các bệnh viện trung ương nỗ lực không để bệnh nhân nằm ghép

Với những nỗ lực tổ chức lại quy trình khám chữa bệnh, đến nay, đã có 29/39 bệnh viện tuyến Trung ương ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép ở 3 mức độ khác nhau.
Các bệnh viện trung ương nỗ lực không để bệnh nhân nằm ghép ảnh 1Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 20/1, 13 bệnh viện tuyến Trung ương đầu tiên cam kết với Bộ Y tế không để bệnh nhân phải nằm ghép, đến nay, sau 9 tháng đã có 29/39 bệnh viện tuyến Trung ương ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép ở 3 mức độ khác nhau.

Ba mức độ gồm bảo đảm mỗi người bệnh được bố trí 1 giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú; bảo đảm tối đa sau 24 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người sẽ được bố trí một giường bệnh; bảo đảm tối đa sau 48 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí một giường bệnh.

Thực hiện đồng loạt các giải pháp

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian qua, các bệnh viện đã nỗ lực rất nhiều trong giảm tải bệnh viện như tổ chức lại quy trình khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; tăng cường kết hợp với các bệnh viện trên địa bàn để chuyển bệnh nhân đã điều trị ổn định; ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bệnh viện; bố trí khu vực lưu bệnh tạm thời để lưu bệnh nhân trong trường hợp cần giữ lại theo dõi trước khi quyết định cho bệnh nhân về ngoại trú hay đưa vào điều trị nội trú.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng tăng cường kiểm tra giám sát, đưa nội dung báo cáo tình trạng nằm ghép vào trong giao ban hàng ngày của khoa và bệnh viện; sàng lọc kỹ bệnh nhân trước khi quyết định đưa vào điều trị nội trú; sàng lọc một số bệnh thông thường cho điều trị ngoại trú; rút ngắn ngày điều trị nội trú trung bình một cách hợp lý; linh hoạt điều động, bố trí giường bệnh giữa các khoa, giường bệnh tạm thêm; chia sẻ dùng chung giường đối với những khoa cùng tầng hoặc cùng khu vực…

Đặc biệt, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tổ chức lại quy trình khám, chữa bệnh hay tăng cường kết hợp với các bệnh viện trên địa bàn để chuyển bệnh nhân (mô hình bệnh viện giảm tải) hoặc chuyển bệnh nhân sau khi đã điều trị ổn định về tuyến dưới tiếp tục theo dõi điều trị… là những giải pháp mà các bệnh viện tuyến Trung ương đã và đang thực hiện để giảm quá tải bệnh viện và duy trì cam kết không nằm ghép.

Những giải pháp này bước đầu đã giúp các bệnh viện thực hiện được cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. So với trước khi ký cam kết, tình trạng nằm ghép cả về số khoa và số giường bệnh tại các bệnh viện Trung ương có xu hướng giảm.

Tuy vậy, vẫn còn một số bệnh viện có tình trạng nằm ghép cao như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, K, Phụ sản Trung ương, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Phổi Trung ương…, mà nguyên nhân chủ yếu là do đang được sửa chữa và bổ sung thêm khu điều trị.

Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Trần Quyết Tiến cho biết, mặc dù Bệnh viện Chợ Rẫy chưa ký cam kết trong giai đoạn này, song thời gian qua bệnh viện đã không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, giảm thời gian nằm viện cho người bệnh; thiết lập 6 bệnh viện giảm tải và tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới; xây dựng tiêu chí điều phối bệnh nhân giữa các chuyên khoa và xây dựng đơn vị điều trị trong ngày phục vụ tất cả các chuyên khoa.

Bệnh viện cũng đặt mục tiêu đến đầu năm 2016 sẽ ký cam kết không nằm ghép với những mức độ khác nhau.

Còn nhiều thách thức

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết thêm, hiện nay mô hình bệnh tật thay đổi nhiều, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng lên, nhu cầu vượt lên tuyến trên khám chữa bệnh nhiều hơn khiến một số bệnh viện tuyến Trung ương quá tải.

Các bệnh viện trung ương nỗ lực không để bệnh nhân nằm ghép ảnh 2Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Trong khi đó, các bệnh viện chuyên khoa chủ yếu tập trung ở tuyến Trung ương, thành phố lớn, ít hoặc không có ở các vùng; số giường bệnh/vạn dân mới đạt 28,1 giường/vạn dân, khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chất lượng chuyên môn y tế cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở mới gặp nhiều khó khăn, một số bệnh viện xây dựng mở rộng không hoàn thành đúng tiến độ. Giá dịch vụ y tế chưa thực sự khác biệt giữa các tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, sự quyết tâm của một số lãnh đạo bệnh viện chưa cao, chưa linh hoạt điều phối giường bệnh của các khoa, chưa xây dựng tiêu chuẩn chặt chẽ khi đưa người bệnh vào điều trị nội trú hoặc chuyển người bệnh về tuyến dưới, bệnh viện vệ tinh ngay khi có thể.

Để tiếp tục thực hiện giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trực tuyến hàng tuần về tình trạng quá tải, nằm ghép; số lượng trung bình bệnh nhân trong một bàn khám…, đồng thời đưa các chỉ số liên quan đến giám sát tình trạng nằm ghép trong nội dung giao ban hàng ngày của từng khoa, từng bệnh viện.

Bộ Y tế cũng thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra thường quy và đột xuất; áp dụng chế độ khen thưởng, khiển trách kịp thời đối với các tập thể thực hiện tốt, chưa tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế đang tiếp tục nâng số giường bệnh trên vạn dân, tăng cường tiến độ đưa vào sử dụng khu nhà sửa chữa, mở rộng của các bệnh viện, sửa đổi giá dịch vụ y tế và đề nghị các bệnh viện vệ tinh cam kết giảm nằm ghép cho các bệnh viện hạt nhân để bệnh nhân không phải lên tuyến trên…

“Giảm tải bệnh viện và thực hiện cam kết không nằm ghép là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức, cần sự tham gia và vào cuộc của toàn ngành y tế. Trong đó, sự quyết tâm của Đảng ủy, lãnh đạo và các khoa phòng và từng cán bộ nhân viên bệnh viện là yếu tố quyết định sự thành công của việc giảm tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện chưa thực hiện cam kết cần có kế hoạch, lộ trình giảm tải nằm ghép, từ giảm số khoa nằm ghép đến giảm nằm ghép toàn bệnh viện,” Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục