Các Bộ chung tay phòng, chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường ký thỏa thuận phòng chống kháng thuốc kháng sinh.
Các Bộ chung tay phòng, chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh ảnh 1Các đại biểu tham dự hội thảo và lễ ký phòng chống kháng thuốc. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác phát triển tại Việt Nam đã thống nhất ký kết văn bản thỏa thuận giữa các bên về phòng chống kháng thuốc nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam.

Tham dự lễ ký kết có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế WHO, FAO, USAIDS, CDC, OUCRU, JICA… ; Đại sứ quán Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản… cùng các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y dược, nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Kháng sinh không chỉ được sử dụng trong điều trị mà còn được sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm mục đích tăng trưởng.

Tuy nhiên vấn đề kháng thuốc kháng sinh đã xuất hiện ngay từ khi kháng sinh ra đời và ngày càng trở nên trầm trọng do nhiều vi sinh vật thích nghi và trở nên kháng với nhiều loại thuốc.

Kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc.

Năm 2011, toàn cầu có khoảng 640.000 trường hợp lao đa kháng thuốc; khoảng 15% người bệnh được điều trị HIV đã phải dùng đến các thuốc phác đồ bậc 2 và bậc 3 đối với các nhiễm khuẩn kháng; ký sinh trùng sốt rét Falciparum kháng với artemisinin đang nổi lên ở Đông Nam Á, kháng với chloroquine phổ biến ở hầu hết các nước lưu hành sốt rét.

Nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới. Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. Đó là lý do tại sao WHO và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay mô hình bệnh tật của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, vì thế việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Song việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.

Chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Năm 2011, nhân ngày sức khỏe thế giới 7/4, Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc.

Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Để triển khai Kế hoạch, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc và thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc. Bộ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; thông tin thuốc; kiểm chuẩn xét nghiệm; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh; thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế để nâng cao trình độ, kỹ năng về thực hành kê đơn thuốc tốt, thực hành dược lâm sàng, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị...

Cùng ngày, Bộ Y tế đã tổ chức phiên họp kỹ thuật và hội thảo về phòng chống kháng thuốc với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia đầu ngành trong nước, quốc tế trong lĩnh vực y dược, nông nghiệp.

Hội thảo tập trung thảo luận và đánh giá về Chiến lược toàn cầu về phòng, chống kháng thuốc, kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam, sử dụng kháng sinh và vấn đề kháng thuốc trong nông nghiệp, sử dụng kháng sinh và vấn đề kháng thuốc trong y tế…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục