Các bức tượng vàng Oscar vẫn được làm thủ công

Những người thợ mất tới 40 giờ làm việc cật lực và tỉ mỉ để cho ra lò những bức tượng vàng Oscar mà bất cứ ai cũng ao ước sở hữu.
Các đề cử của giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới, Oscar sẽ được Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ công bố vào ngày hôm nay. Và ngay từ bây giờ, quá trình đúc các bức tượng vàng Oscar cũng đang được gấp rút hoàn tất cho kịp ngày trao giải vào 26/2.

Tại xưởng đúc đặt ở Chicago, phóng viên của AFP đã được chứng kiến những người thợ múc chất lỏng hợp kim từ chiếc lò sôi sùng sục rồi rót chầm chậm vào một chiếc khuôn và nhanh chóng đưa vào làm lạnh để định hình cho bức tượng. Những người thợ ở đây mất tới 40 tiếng đồng hồ làm việc cật lực và tỉ mỉ để cho ra lò những bức tượng vàng mà bất cứ những người làm điện ảnh nào cũng ao ước được sở hữu.

Sau công đoạn đổ khuôn và làm lạnh, các bức tượng - với chiếc hàm vuông đã trở thành biểu tượng, cùng bộ ngực rộng và thanh gươm chống xuống đất, sẽ được chuyển qua xưởng chế tác để những người thợ ở đây dũa gọt và đánh bóng.

Sau khi tất cả những khiếm khuyết đã được loại bỏ và đánh sáng, chúng sẽ được nhúng bằng tay vào một chiếc bồn sục sạc điện chứa chất lỏng tan chảy của đồng, nickel, bạc và vàng 24 cara. Sau đó chúng sẽ tiếp tục được đem đánh bóng và quét sơn trước khi gắn vào chân đế nặng và đóng hộp cẩn thận.

Cho dù trong thời đại công nghiệp hiện nay, máy móc cùng các robot ngập tràn trong các nhà xưởng, song viện Hàn lâm vẫn sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để duy trì việc chế tác các bức tượng vàng bằng phương pháp thủ công. Bởi những giải thưởng được chế tạo bằng máy thường không đảm bảo được độ bền cũng như tính mỹ thuật.

Ở lễ trao giải Quả cầu Vàng năm ngoái, nam diễn viên kỳ cựu Robert De Niro đã phải xuất hiện tay không trong phòng họp báo sau khi nhận được giải Thành tựu trọn đời. “Phần trên của bức tượng đã bị gãy rời,” ông kể lại với các phóng viên. “Họ sẽ phải hàn nó lại.”

R.S Owens - hãng làm tượng Oscar kể từ năm 1982 - là nhà sản xuất giải thưởng cuối cùng còn sót lại ở Mỹ. Bởi hầu hết các giải thưởng khác đều đặt hàng từ các xưởng chế tạo rẻ tiền ở Trung Quốc.

R.S Owens đã chiến đấu để tồn tại bằng cách tập trung cho các giải thưởng “danh giá” như giải Oscar, Emmy, Giải thưởng âm nhạc MTV, và Lễ trao giải thưởng quảng cáo quốc tế London...

Trong tủ trưng bày của hãng gồm nhiều biểu tượng quen thuộc như Jolly Green Giant, the Planter's Peanut, the Pillsbury Doughboy, Tony the Tiger và một Starkist Tuna bằng pha lê, đeo kính chống nắng. Tuy nhiên hãng đã phải chia tay một phần ba số nhân viên của mình sau cuộc khủng hoảng kinh tế.

“Do khủng hoảng kinh tế, nhiều giải thưởng chỉ quan tâm tới vấn đề giá cả nên người ta đặt hàng sản xuất từ Trung Quốc cho bớt chi phí,” Scott Siegel, con của người sáng lập hãng R.S.Owens năm 1938, nói với hãng AFP. “Nhưng xu hướng này đang thay đổi. Mọi người hiện lại quan tâm hơn tới việc bảo vệ các ngành nghề ở Mỹ.”

Một số khách hàng đã quay trở lại với R.S. Owens bởi vấn đề chất lượng nhất là sau khi người ta phát hiện ra rằng nhiều sản phẩm rẻ tiền được làm từ than chì, không được tráng chất bảo quản bên ngoài, gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.

Ngoài ra, Siegel còn nhấn mạnh vào chữ tín khi kể về cách công ty của ông ứng phó sau khi lô hàng bao gồm 55 tượng Oscar bị đánh cắp chỉ vài tuần trước lễ trao giải. Những người thợ thủ công của xưởng đã làm việc ngày đêm và hoàn thành những bức tượng thay thế chỉ trong 10 ngày - một công đoạn vốn bình thường kéo dài tới tận sáu tuần.

Các bức tượng bị đánh cắp được tìm thấy trong một thùng đựng rác vài ngày trước buổi lễ, nhưng viện Hàn lâm quyết định vẫn giữ các bức tượng thay thế và thêm một vài bức nữa - để đảm bảo hiện tượng tay trắng ra về không lặp lại. Và đó cũng được coi là một cách tôn vinh những người thợ thủ công, trong thời đại công nghiệp mà máy móc đang thay thế sức người./.

L.Q (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục