Các công ty lớn của Nhật liên kết để ăn theo ngành du lịch

Panasonic Corp. và JTB Corp. cho biết họ sẽ phối hợp phát triển các dịch vụ mới bằng cách kết hợp thế mạnh của Panasonic trong lĩnh vực công nghệ thông tin với những kinh nghiệm của JTB trong lĩnh vực điều hành du lịch.
Các công ty lớn của Nhật liên kết để ăn theo ngành du lịch ảnh 1Hướng dẫn viên du lịch cầm cờ dẫn đầu đoàn du khách Trung Quốc mặc kimono thăm đền Kiyomizu-dera ở Kyodo. (Nguồn: Bloomberg)

Một số công ty lớn của Nhật Bản đang tìm cách liên kết với nhau để tìm kiếm lợi nhuận từ làn sóng khách du lịch nước ngoài đến với đất nước Mặt Trời mọc đang ngày càng gia tăng.

Cụ thể, hãng điện tử Panasonic Corp. và công ty du lịch lữ hành JTB Corp. ngày 22/6 cho biết họ sẽ phối hợp phát triển các dịch vụ mới bằng cách kết hợp thế mạnh của Panasonic trong lĩnh vực công nghệ thông tin với những kinh nghiệm của JTB trong lĩnh vực điều hành du lịch.

Bước đầu tiên trong kế hoạch liên kết giữa Panasonic và JTB là vào tháng Bảy tới họ sẽ tung ra một thiết bị dịch tự động nhiều ngôn ngữ tại các điểm du lịch hút khách như tổ hợp thương mại Kitte ở gần nhà ga Tokyo hay khách sạn Okura ở Kyoto.

Chiếc máy dịch tự động này, do Panasonic và Học viện quốc gia về thông tin và công nghệ viễn thông Nhật Bản phối hợp phát triển, có thể dịch được tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc và cung cấp thông tin về các điểm du lịch. Hai công ty đặt mục tiêu đưa thiết bị dịch này vào sử dụng rộng rãi trong tài khóa 2017, đồng thời nâng cấp dịch vụ du lịch ra nước ngoài cho người Nhật Bản trong thời gian tới.

Hãng thời trang Onward Holdings Co. và nhà bán lẻ thiết bị gia dụng Laox Co. cũng cho biết sẽ cùng thành lập một liên doanh bán quần áo thời trang sản xuất tại Nhật Bản ở chuỗi các cửa hàng miễn thuế của Laox vào cuối năm nay.

Onward và Laox sẽ phối hợp cùng thiết kế, sản xuất và bán quần áo cùng các đồ thời trang khác thông qua một liên doanh sẽ được thành lập vào tháng Chín với số vốn ban đầu là 400 triệu yen, trong đó Onward nắm giữ 51% cổ phần và Laox nắm giữ phần còn lại.

Các sản phẩm thời trang do liên doanh này sản xuất cũng sẽ được bán qua một địa chỉ kinh doanh trên mạng của Trung Quốc do Laox điều hành từ tháng Chín. Tập đoàn Suning Commerce Group Co., có trụ sở tại Nam Kinh (Trung Quốc), là công ty mẹ của Laox.

Chủ tịch Onward, Michinobu Yasumoto, cho biết ông đặt mục tiêu đạt doanh thu bán hàng khoảng 20 tỷ yen trong vòng ba năm tới với liên doanh nà

Phát biểu tại buổi họp báo công bố thông tin trên tại Tokyo, Tổng giám đốc Laox, Yiwen Luo, nói rằng, người tiêu dùng châu Á rất quan tâm đến thời trang Nhật Bản và Laox muốn đưa thời trang Nhật đến với toàn thế giới.

Làn sóng liên kết nói trên giữa các công ty lớn của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh nước này đang chứng kiến sự bùng nổ du khách nước ngoài nhờ đồng yen yếu và những nới lỏng về thị thực. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng lượng du khách nước ngoài đến nước này lên 20 triệu lượt vào năm 2020, năm Tokyo sẽ là nước chủ nhà Thế vận hội Olympics và Thế vận hội người khuyết tật Paralympics.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, lượng du khách đến Xứ sở hoa Anh đào trong năm 2015 có thể đạt 18 triệu lượt nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục