Các địa phương khẩn cấp triển khai biện pháp phòng chống bão

Hải Phòng yêu cầu trước 17 giờ ngày 18/10 phải đưa toàn bộ tàu thuyền, phương tiện, con người, lồng bè về nơi an toàn; dừng mọi hoạt động đường thủy, phà biển, vui chơi ven biển trước 17 giờ 18/10.
Các địa phương khẩn cấp triển khai biện pháp phòng chống bão ảnh 1Lực lượng công an huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế kiểm tra, hướng dẫn và giúp đỡ ngư dân đưa tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão số 7 tại xã Phú Thuận. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Chiều 17/10, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã họp khẩn về việc chuẩn bị phòng chống bão số 7.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu, trước 17 giờ ngày 18/10 phải đưa toàn bộ tàu thuyền, phương tiện, con người, lồng bè về nơi an toàn; cấm biển, dừng mọi hoạt động đường thủy, phà biển, vui chơi ven biển trước 17 giờ 18/10; kiểm tra, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, khơi thông dòng chảy, hạ mực nước đệm trong hệ thống thủy lợi, thoát nước đô thị. Trước 15 giờ ngày 18/10 phải di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, khu nhà xung yếu.

Dự kiến, thành phố Hải Phòng sẽ cho học sinh nghỉ học vào ngày 19/10. Các địa phương chủ động thực hiện phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, nhà ở xung yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở…, huy động tối đa nguồn lực thu hoạch diện tích lúa và rau màu.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, đến 16 giờ ngày 17/10, lực lượng biên phòng đã kiểm đếm thông báo cho hơn 3.000 phương tiện, gần 500 lồng bè, gần 250 chòi canh đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các bến biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Theo quan sát của Đồn biên phòng Bạch Long Vỹ và Trạm ra-đa Hải quân đã không còn phương tiện nào đang hoạt động trên biển.

Để chuẩn bị ứng phó khi bão đổ bộ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ huy động hơn 40.000 người tham gia lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời huy động hơn 1.000 xe ô tô các loại, hơn 500 tàu, xuồng, lương thực, thuốc men, lều bạt thường trực, ứng cứu.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 7 có khả năng đổ bộ vào đất liền Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định trong các ngày 19-20/10.

Để ứng phó với bão số 7, chiều 17/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung phòng chống bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung triển khai chống bão từ ngày 18/10. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn, phối hợp với lãnh đạo các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão.

Các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú bão an toàn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 17/10; kiểm soát chặt chẽ số ngư dân, người sản xuất trên biển, yêu cầu tất cả tàu thuyền, người canh coi ngao, nuôi trồng thủy sản ngoài các lều, chòi vào bờ trước 17 giờ ngày 18/10.

Thành phố Nam Định và các huyện, nhất là khu vực ven biển triển khai phương án di dời người, tài sản ra khỏi những ngôi nhà nguy hiểm, khu nhà không đảm bảo an toàn và có phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ngoài đê, du khách tại các khu du lịch đến nơi an toàn.

Địa phương kiên quyết không để người ở lại các chòi canh ven biển, trên tàu thuyền đánh cá và chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Các xã, phường, thị trấn thường xuyên thông báo tình hình diễn biến của bão đến người dân thông qua hệ thống thông tin đại chúng và đài truyền thanh; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng.

Các đơn vị liên quan có giải pháp đảm bảo an toàn các công trình cao tầng, cột điện, cột thu phát sóng viễn thông, truyền hình, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây, thực hiện phương án chống bão theo phương châm 4 tại chỗ.

Các địa phương tập trung thu hoạch lúa mùa, bảo vệ diện tích rau màu đã trồng; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, sẵn sàng hộ đê tại các vị trí đê, kè xung yếu…

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, hiện Nam Định có trên 1.800 tàu thuyền đã vào bến neo đậu; 201 tàu, thuyền đang đánh bắt gần bờ.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã thông báo cho các lao động trên 880 lều chòi canh ven biển nắm bắt tình hình, diễn biến của bão số 7 để chủ động vào bờ.

Những ngày vừa qua, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nông dân Nam Định đã khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa mùa. Tính đến ngày 10/10, tỉnh Nam Định đã thu hoạch được trên 8.500 ha lúa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục