Các địa phương tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch

Hội An giãn cách xã hội toàn thành phố, Đà Nẵng đóng cửa Cảng cá Thọ Quang; Hà Nam yêu cầu những người trở về từ các địa phương có dịch phải cách ly 14 ngày nếu không có chứng nhận âm tính COVID-19.
Chốt phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa ngõ ra vào tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: TTXVN)
Chốt phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa ngõ ra vào tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 25/7, ngay sau khi thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam phát hiện 5 ca mắc COVID-19, chính quyền thành phố Hội An thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 26/7.

Theo đó, toàn thành phố Hội An sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 26/7.

Đối với các địa phương gồm phường Tân An, Thanh Hà và thôn Trảng Suối (xã Cẩm Hà) áp dụng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, do địa phương này có 5 ca mắc COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An cho biết, ngay sau khi phát hiện các ca dương tính với COVID-19, các ngành chức năng thành phố đã khẩn trương lấy mẫu 22 F1, 408 F2.

Hiện, thành phố đang nâng mức cảnh báo và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để phòng, chống dịch COVID-19. Ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Làm việc với chính quyền thành phố Hội An ngày 25/7, về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân yêu cầu chính quyền thành phố Hội An ra thông báo thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đó, 2 phường Tân An và Thanh Hà cùng thôn Trảng Suối (xã Cẩm Hà) áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Các khu vực còn lại trên địa bàn thành phố thực hiện theo Chỉ thị 15, trừ xã đảo Tân Hiệp thực hiện theo Chỉ thị 19.

Từ 12 giờ ngày 25/7, lực lượng chức năng thiết lập chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố Hội An và yêu cầu người dân tạm thời không rời khỏi địa bàn thành phố nhằm đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Các xã, phường cũng sẽ kiểm soát chặt các đường tiểu ngạch tại địa phương để hạn chế tối đa lượng người ra vào.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hội An yêu cầu người từng đến quán càphê Bảo địa chỉ 72B, đường Lê Hồng Phong, khối Hòa Thanh, phường Tân An trong vòng 7 ngày qua khẩn trương khai báo y tế.

Thành phố Hội An cũng yêu cầu, người dân không được ra khỏi thành phố, trừ trường hợp đặc biệt được chính quyền xã, phường giải quyết cụ thể...

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Phan Văn Sơn cho hay, tính từ 13 giờ ngày 24/7 đến 17 giờ ngày 25/7, Đà Nẵng ghi nhận 32 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 5 trường hợp mắc COVID-19 chưa rõ nguồn lây.

Hiện, Đà Nẵng có 2 chuỗi lây nhiễm có nguy cơ cao gồm: Lò mổ Đà Sơn và Cảng cá Thọ Quang.

Trong ngày 25/7, Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho gần 13.000 lượt người.

Ông Sơn đề xuất, thành phố cần có biện pháp mạnh để làm “sạch” Cảng cá Thọ Quang; giảm thiểu người đi chợ; thông tin kịp thời cho tiểu thương tại các chợ, người làm việc tại Lò mổ Đà Sơn và Cảng cá Thọ Quang thực hiện xét nghiệm.

Các quận, huyện thiết lập thêm cơ sở cách ly và xây dựng cơ sở dữ liệu những người hoàn thành cách ly về địa phương.

Về thực hiện giãn cách, theo ông Phan Văn Sơn, hầu hết người dân đều chấp hành, ít ra đường, tuy nhiên tại một số hàng quán xung quanh chợ vẫn tập trung đông người, không đảm bảo giãn cách.

Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương cần có biện pháp mạnh để phong tỏa Cảng cá Thọ Quang, khẩn trương tiến hành truy vết, xét nghiệm, đồng thời có phương án cách ly người làm việc tại Cảng cá.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng thống nhất việc tạm dừng Cảng cá Thọ Quang vào 15 giờ, ngày 26/7, trong thời gian 7 ngày.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị Ban Quản lý Cảng cá Thọ Quang thông báo cho người dân được rõ thông tin tạm dừng Cảng cá; yêu cầu thực hiện cách ly tại nhà những người làm việc tại Cảng cá Thọ Quang đang sinh sống tại địa bàn thành phố Đà Nẵng; thông báo cho những người ở tỉnh, thành khác về việc tạm dừng này.

Các địa phương trong ngày 26/7 phải hoàn thành xét nghiệm đối với những người liên quan Cảng cá Thọ Quang và Lò mổ Đà Sơn.

[Hà Nội: Thêm 7 ca mắc COVID-19 mới, có 2 ca phát hiện ngoài cộng đồng]

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương có phương án phân phối cá về các chợ; không để phát sinh các chợ tạm tại địa phương.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng còn dự trữ hàng trăm tấn cá, có thể đảm bảo đầy đủ cá cho người dân thành phố.

Sau 7 ngày, nếu thành phố Đà Nẵng kiểm soát được tình hình dịch tại Cảng cá Thọ Quang thì sẽ mở cửa trở lại Cảng cá này.

Sau khi mở cửa Cảng cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có phương án phân luồng, kiểm soát chặt Cảng cá.

Các địa phương tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch ảnh 1Các khu vực vui chơi, dạo mát dọc sông Hàn vắng người đi lại. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngoài ra, ông Lê Trung Chinh yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với quận Liên Chiểu, Sở Công Thương kiểm tra, giám sát công tác phòng dịch tại Lò mổ Đà Sơn.

Các địa phương phải khẩn trương thiết lập khu cách ly mới, nếu sử dụng trường học làm nơi cách ly, phải chuẩn bị đầy đủ nhà vệ sinh; tiếp tục theo dõi chặt người cách ly tại nhà; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm phòng, dịch tại địa phương.

Ngày 25/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã ký quyết định số 3097/QĐ-UBND về việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Phù Cát.

Theo đó, áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với xã Cát Tường từ 00 giờ ngày 26/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.|

Tất cả các xã, thị trấn còn lại của huyện Phù Cát thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định cũng nêu rõ ngoài các giải pháp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định chỉ đạo, Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cát chỉ đạo thực hiện thêm các giải pháp đối với mức “Nguy cơ rất cao” theo quy định tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức lại sản xuất tại các doanh nghiệm trên địa bàn đảm bảo công tác phòng, chống dịch, không để đứt gãy, gián đoạn cung ứng hàng hóa.

Người dân được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất của địa phương…

Đến chiều 25/7, tỉnh Bình Định có 81 ca mắc COVID-19. Từ khi phát hiện dịch đầu tiên vào cuối tháng Sáu đến nay, huyện Phù Cát là địa phương thứ 3 thực hiện giãn cách xã hội của tỉnh Bình Định, sau 2 thị xã Hoài Nhơn và An Nhơn.

Các địa phương tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch ảnh 2Thành phố Quy Nhơn triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nhà thi đấu Đại học Quy Nhơn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, ngày 25/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 3964/UBND-KGVX về việc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, từ nay cho đến ngày 1/8/2021, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung quyết liệt, khẩn trương siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nội dung về cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, phạm vi quản lý, đặc biệt là yêu cầu về giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, hạn chế việc đi lại, không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết; xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc hơn nữa Công văn số 3585/UBND-KGVX ngày 12/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, tuyệt đối không cho người từ ngoài tỉnh vào địa bàn tỉnh Tiền Giang nếu không thuộc các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng khác theo quy định.

Đối với các trường hợp được phép vào tỉnh, phải đưa vào cách ly tập trung 7 ngày như quy định, tuyệt đối không để bỏ sót đối tượng này ngoài cộng đồng.

Các địa phương tập trung mọi nguồn lực, thực hiện quyết liệt hơn nữa cho công tác phát hiện, khoanh vùng, điều tra, truy vết; dập cho bằng được các ổ dịch đang phát sinh trên địa bàn, đặc biệt là ổ dịch có nguy cơ lan rộng theo phương châm 4 tại chỗ; thực hiện tầm soát nguy cơ, lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm tùy theo tình hình thực tế.

Đối với các vùng, địa phương hiện nay chưa có nguy cơ hoặc đang an toàn, thì phải tập trung quyết liệt cho công tác phòng dịch, tuyệt đối không đế phát sinh ca nhiễm mới.

Căn cứ tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, các địa phương trong tỉnh có thể áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch với yêu cầu cao hơn quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ địa bàn, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là trong thời gian từ nay đến khi kết thúc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Sở Y tế Tiền Giang được giao nhiệm vụ tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để tăng cường công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho phương án 3.000 ca F0, phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch.

Ngành Y tế khẩn trương cải tạo, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị y tế, xây dựng phương án vận hành; bố trí, sắp xếp nhân sự và đưa Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 (ICU) thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đi vào hoạt động, thời gian hoàn thành chậm nhất là ngày 26/7/2021.

Theo Sở Y tế Tiền Giang, tính đến cuối ngày 25/7/2021, tổng số ca F0 cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 1.786 ca, cách ly tập trung 3.491 ca F1. Tính đến nay, Bộ Y tế đã công bố mã số 1.352/1.786 bệnh nhân mắc COVID-19 của Tiền Giang, 434 bệnh nhân còn lại đang chờ Bộ Y tế công bố và cấp mã số.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chiều 25/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã có công văn khẩn số 1885/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường quản lý người đến, về địa bàn tỉnh từ vùng dịch để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam yêu cầu, từ 17 giờ ngày 25/7, tất cả người đến, về Hà Nam từ các tỉnh, địa phương đang thực hiện Chi thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc từ vùng dịch khác theo công bố của cơ quan Y tế phải khai báo y tế kịp thời, trung thực; có kết quả xét nghiệm âm tính vói SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện biện pháp cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 vào ngày thứ 7 và ngày thứ 13; theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo và khai báo ngay với cơ quan y tế địa phương nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đau họng,..

Trường hợp không có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 thì phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế tập trung 14 ngày.

Người cách ly phải trả toàn bộ chi phí liên quan đến công tác cách ly và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được phân công chỉ đạo khẩn trương thực hiện quản lý, truy vết, cách ly, xét nghiệm các trường hợp trên theo quy định.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thiết lập các khu cách ly y tế tập trung của địa phương theo quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với lực lượng Công an cơ sở tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát di biến động của dân cư trên địa bàn quản lý, nhất là các trường hợp đi về từ các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và từ các vùng dịch.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ quan tuyên truyền, báo chí thông tin rộng rãi đến mọi người dân biết, thực hiện và kịp thời thông tin tới người thân đang lưu trú tại địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc từ vùng có dịch biết, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho người thân và cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục