Các doanh nghiệp điều tập trung nâng chất lượng

Năm 2012, thay vì sản xuất chạy theo số lượng, kim ngạch, các doanh nghiệp điều cần tập trung vào nâng cao chất lượng để nâng vị thế.
Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết năm 2012, thay vì sản xuất, xuất khẩu chạy theo số lượng, kim ngạch, các doanh nghiệp điều trong nước cần tập trung vào nâng cao chất lượng để nâng cao vị thế với khách hàng.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành điều năm 2011, triển khai kế hoạch thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu điều năm 2012 diễn ra ngày 29/2, ông Nguyễn Thái Học cho biết mặc dù năm 2011 tất cả các doanh nghiệp ngành điều đều làm ăn có lãi nhưng chất lượng hạt điều lại có vấn đề khiến nhiều khách hàng không còn tin cậy vào điều Việt Nam. Vì vậy, điều cần thiết nhất hiện nay là phải ổn định được chất lượng hạt điều để lấy lại hình ảnh.

Để nâng cao chất lượng hạt điều, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện công nghệ theo hướng tăng năng suất lao động, đảm bảo nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Theo dự báo của Vinacas, năm 2012, nhu cầu nhân điều vẫn ở mức cao, tuy nhiên do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên lượng tiêu thụ có thể thấp ở giai đoạn đầu năm và bắt đầu tăng từ quý II trở đi. Lượng hàng tồn kho của các thị trường trọng điểm truyền thống tiếp tục duy trì ở mức thấp và xu thế mua bán giao ngay tiếp tục diễn ra, thay thế cho tập quán mua bán kỳ hạn.

Cũng từ năm nay, yêu cầu của các nước nhập khẩu điều về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ngày càng tăng cao, vì vậy các doanh nghiệp phải chú ý nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm của mình.

Vinacas dự kiến, năm 2012 thu mua trong nước đạt 380.000 tấn và nhập khẩu 300.000 tấn điều thô để chế biến xuất khẩu; ngành sẽ xuất khẩu 170.000 tấn nhân điều các loại với kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD (tăng 11,11% so với năm 2011), trong đó tỷ lệ nhân điều xuất khẩu có giá trị gia tăng cao như điều rang muối, bánh kẹo điều chiếm 5%. Ngoài ra lượng nhân điều tiêu thụ trong nước sẽ đạt 7% lượng điều chế biến.

Về tình hình thu mua, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ G20 (20 doanh nghiệp điều xuất khẩu hàng đầu) cho biết hiện nay mới có Bình Phước bắt đầu vào vụ thu hoạch, đầu vụ người trồng điều kỳ vọng bán được 25.000 đồng/kg. Nhưng đến nay, giá bán tại Bình Phước chỉ ở mức 20.500 đồng/kg và khó có thể tăng lên do chất lượng hạt thấp, sức mua kém; riêng thị trường Trung Quốc, từ Tết đến nay gần như đóng cửa.

Ông Thanh nhận định hàng tồn kho ở Quảng Châu không nhiều (chủ yếu là hàng cấp thấp) nhưng các thương nhân không dám mua vì hàng tồn có giá cao, nếu mua vào giá thấp như giá Việt Nam bán hiện nay họ sẽ lỗ nặng. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng Ba các thương nhân Trung Quốc sẽ khởi động mua trở lại.

Ông Thanh cũng khuyến cáo doanh nghiệp khi ký hợp đồng nhập khẩu điều nguyên liệu nên chọn doanh nghiệp uy tín để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Để đủ vốn cho sản xuất, Vinacas kiến nghị các ngân hàng cấp hạn mức tín dụng tổng thể cho ngành điều trong tài khóa 2012 là 29.530 tỷ đồng, ưu tiên vốn thu mua cho các doanh nghiệp khi vào vụ điều và ngoại tệ để nhập khẩu điều thô; áp dụng hình thức cho vay tín chấp, thế chấp theo hạn mức tín dụng bằng 90% giá trị kho hàng hoặc giá trị tài sản doanh nghiệp (hiện nay là 70%); ổn định lãi suất ở mức 11-12%/năm cho VNĐ và khoảng 6% cho ngoại tệ./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục