Các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá

Bộ Công Thương một lần nữa phản đối vụ kiện chống bán phá giá giày da VN và khẳng định các doanh nghiệp VN không bán phá giá.
Xung quanh sự kiện ngày 13/10, Ủy ban Châu Âu công bố báo cáo kết luận rà soát cuối kỳ vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da xuất xứ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, ngày 16/10, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có buổi trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh.

Xin Thứ trưởng cho biết việc Ủy ban châu Âu tiến hành rà soát cuối kỳ vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da xuất xứ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Cộng đồng châu Âu trong bối cảnh nào?

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: Tháng 10/2006, Ủy ban Châu Âu đã quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da xuất xứ Việt Nam trong thời hạn 2 năm mặc dù nhiều nước thành viên Cộng đồng châu Âu phản đối.

Tháng 10/2008, khi thời hạn áp thuế kết thúc, Ủy ban châu Âu đã không bãi bỏ thuế chống bán phá giá mà quyết định tiến hành rà soát cuối kỳ theo yêu cầu của ngành sản xuất giày dép châu Âu. Đặc biệt, việc rà soát này được tiến hành trong bối cảnh đa số các nước thành viên Cộng đồng châu Âu phản đối.

Tôi cũng xin lưu ý là trong suốt thời gian Ủy ban châu Âu tiến hành điều tra rà soát, các doanh nghiệp có liên quan vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá. Như vậy, đến nay, mặt hàng giày mũ da xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu đã bị áp thuế chống bán phá giá hơn 3 năm.

Vậy quan điểm của Bộ Công Thương về báo cáo kết luận rà soát cuối kỳ mà Ủy ban Châu Âu mới công bố như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: Việc Ủy ban châu Âu áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da xuất xứ Việt Nam đã gây ra các tác động hết sức tiêu cực đối với ngành công nghiệp giày dép của Việt Nam, một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam sử dụng trên 500.000 lao động với đa số là lao động nữ.

Hơn nữa, có thể nói rằng ngành công nghiệp giày dép Việt Nam đang phải chịu tác động kép rất nặng nề khi mà mới đây Cộng đồng châu Âu đã loại mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam khỏi diện được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Thực tế cũng đã cho thấy việc Ủy ban châu Âu áp thuế chống bán phá giá trong thời gian hơn 3 năm vừa qua đã không những không thể bảo hộ được lợi ích của một bộ phận nhỏ các nhà sản xuất giày châu Âu có năng lực cạnh tranh yếu kém mà đã gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của chính các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư, kinh doanh trong ngành giày dép tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ tại thị trường châu Âu, đặc biệt là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng Cộng đồng châu Âu.

Ngoài ra, vụ kiện chống bán phá giá này còn đi ngược lại chính sách nhất quán của Cộng đồng Châu Âu và các nước thành viên là ủng hộ, cổ súy cho xu thế tự do hóa thương mại và kiên quyết phản đối, chống lại sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ, nhất là thông qua sự lạm dụng các công cụ phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, đồng thời tiếp tục tăng cường và mở rộng các chương trình trợ giúp cho các nước chậm phát triển và đang phát triển có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng mà những nước đang phát triển có thu nhập thấp và hoạt động xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập quốc dân (GDP) như Việt Nam đang phải gánh chịu tác động tiêu cực, nặng nề hơn cả.

Về báo cáo kết luận rà soát cuối kỳ mà Ủy ban châu Âu mới công bố, Bộ Công Thương một lần nữa phản đối vụ kiện chống bán phá giá này và khẳng định rằng các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá vào thị trường châu Âu.

Bộ Công Thương cho rằng báo cáo của Ủy ban châu Âu đã không phản ánh một cách khách quan, đúng thực tiễn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam và việc Ủy ban châu Âu đề xuất gia hạn áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng là không công bằng và vô lý.

Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban châu Âu xem xét lại báo cáo một cách khách quan, công bằng và bãi bỏ thuế chống bán phá giá ngay sau khi giai đoạn rà soát cuối kỳ kết thúc.

Chính phủ Việt Nam đề nghị và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Chính phủ các nước thành viên Cộng đồng châu Âu dành cho Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá này bằng việc yêu cầu Ủy ban châu Âu bãi bỏ thuế chống bán phá giá áp dụng đối với mặt hàng giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Chắc chắn rằng sự ủng hộ của Chính phủ các nước thành viên EU dành cho Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá này sẽ là minh chứng thực tế nhất của chính sách ủng hộ tự do hóa thương mại và chống lại sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ của Cộng đồng châu Âu và từng nước thành viên, đồng thời góp phần thiết thực vào việc phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển mà Cộng đồng Châu Âu và các nước thành viên dành cho Việt Nam, nhất là các chương trình xóa đói giảm nghèo.

Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục