Các giống gà quý độc đáo, hình thức đẹp, thịt thơm ngon

Việt Nam có nhiều giống gà quý, độc đáo, nổi tiếng trong lịch sử, nhiều loại gà có hình thức rất đẹp và lạ, được nuôi làm cảnh; nhiều loại gà có thịt thơm ngon và bổ dưỡng, có giá bán rất cao.
Các giống gà quý độc đáo, hình thức đẹp, thịt thơm ngon ảnh 1Gà Đông Tảo. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Việt Nam có nhiều giống gà quý, độc đáo, nổi tiếng trong lịch sử. Nhiều loại gà có hình thức rất đẹp và lạ, được nuôi làm cảnh; nhiều loại gà có thịt thơm ngon và bổ dưỡng, có giá bán rất cao.

- Gà Hồ: (Tên gọi khác là gà Tò). Nguồn gốc Gà Hồ ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Gà Hồ trống có đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai, da đỗ tương, mào xuýt, diều cân, chân tròn đùi dài, lông đen hoặc màu mận chín; Gà mái màu lông đất thó hoặc màu vỏ quả nhãn. Gà Hồ lạ nhất là đôi chân.

Chân gà Hồ màu đen, có lông dài phủ xuống như ống quần đến tận đầu các ngón. Dù gà Hồ có màu lông vàng hay đen thì da gà Hồ cũng chỉ một màu đỏ ửng và rất dày.

Gà Hồ được Nhà nước dành cho chính sách bảo tồn gien quí với phương pháp cất mẫu gen (giữ hàng trăm năm không biến đổi di truyền).

- Gà Lôi: Gà Lôi thuộc họ Trĩ (Lophura), phân bố chủ yếu ở khu vực miền Trung (trên thế giới không có). Gà Lôi lam màu trắng, chân đỏ tía, da mặt đỏ thẫm, mỏ đen. Con trống màu xanh tím có mào xanh tím, lông màu trắng; con mái màu nâu gụ. Tháng 7-2000, Giáo sư Võ Quý đã xác định thêm một giống gà Lôi lạ không giống bất kỳ loài nào trong giống Lophura: nặng 1,1 kg, túm lông vòng quanh cổ màu đỏ vàng, bộ đuôi dài có 4 lông, lông dài nhất 35 cm, các lông khác màu xanh chì, mào đen.

- Gà Tre: Là giống gà nhỏ nhưng rất can đảm, lông màu sặc sỡ, đuôi dài, chân cao, đùi săn chắc, rất lý tưởng cho môn chọi gà. Ngoài ra thịt gà tre cũng rất thơm ngon, là món ăn ngon và bổ dưỡng.

- Gà Ác: Gà Ác được nuôi nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Tây Nam Bộ. Gà Ác có thân hình nhỏ, trên 12 tháng tuổi mới nặng 1-1,5 kg, bộ lông toàn trắng nhưng mỏ, mắt, da, thịt và bộ xương lại màu đen. Chân gà Ác có 5 ngón “Ngũ chảo” tức là nhiều hơn một ngón so với gà thường. Trứng và thịt gà Ác thơm, máu đỏ hơn gà thường và có nhiều lysin. Thịt gà bổ dưỡng và lành, dùng cho người suy nhược, dưỡng bệnh, người già và phụ nữ mới sinh con .

- Gà Hơ Mông: Tên gọi của giống gà cũng đủ cho người thấy đây là giống gà thường chỉ có trong các bản của đồng bào dân tộc Mông. Gà có nhiều loại hình và màu lông. Tuy nhiên màu lông phổ biến có hoa mơ, đen và trắng. Gà Hơ Mông xương đen, thịt đen, da ngăm đen nhưng không tanh, hàm lượng sắt và mỡ thấp, hàm lượng axitamin glutamic cao hơn hẳn các giống gà khác.

- Gà Đông Tảo: Gà Đông Tảo là loại gà có đầu tiên ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Gà Đông Tảo sơ sinh có hai màu lông cơ bản là trắng ngà và nâu nhạt. Gà trưởng thành, con trống có hai màu lông cơ bản là màu mận chín pha lẫn lông đen và màu đen. Con mái có ba màu lông cơ bản là vàng nhạt, nâu nhạt và trắng sữa.

Khi trưởng thành, gà Đông Tảo nặng từ 3-5 kg. Gà Đông Tảo chịu rét rất kém. Chân gà Đông Tảo rất đặc biệt có dạng vảy thịt, to xù xì, đỏ ứng, bước đi lặc lè. Thịt gà Đông Cảo có màu nâu nhạt, thớ thịt to, dai và thơm ngon.

- Gà Tàu vàng: Là loại gà có ở Việt Nam từ lâu đời, phân bố chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Tây Nam Bộ. Gà Tàu Vàng có lông màu vàng rơm, vàng sẫm có đốm đen ở cổ, cánh và đuôi. Chân màu vàng, da vàng, thịt trắng. Mào phần lớn là mào đơn và ít nụ.

- Gà Ri: (Tên gọi khác là gà Ta). Gà Ri có nguồn gốc Việt Nam, thuộc họ trĩ. Gà Ri nhỏ, đầu thanh mỏ nhỏ, ngực lép, bụng thon. Con đực mào đỏ răng cưa; con cái không mào, lông đỏ thẫm, đuôi đen ánh xanh, bụng đỏ nhạt hoặc vàng, chân có hai hàng vảy màu vàng, lông vàng, nâu hoặc hoa mơ đốm trắng. Thịt gà Ri thơm ngon, ngọt, hơi dai và hàm lượng axít glutamic khá cao.

- Gà Mía: Gà Mía có nguồn gốc lâu đời ở thôn Mông Phụ, làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Gà Mía có mào cờ, tai chảy, chân vàng nhạt. Gà trống thân to, lông màu mận chín hoặc đen; gà mái lông màu lá chuối khô. Sau nhiều năm bảo tồn nguồn gen giống gà Mía, hiện nay vùng Đường Lâm đang lưu giữ và phát triển khoảng 300 mái sinh sản.

- Gà Đen (Ô kê): Gà Đen có từ lâu đời ở các xã vùng biên giới Việt-Trung. Hiện tại được nuôi nhiều ở Lào Cai. Gà có nhiều loại hình và màu lông nhưng chủ yếu là màu lông vàng đất. Da và da chân thường đen màu chì. Mào đơn, có 4-5 răng cưa, tích, mỏ, dái tai màu đen. Thỉnh thoảng có con mào nụ. Đặc biệt thịt, mỡ, xương và nội tạng đều đen hoặc đen xám. Thịt ngon, thơm, rất ít mỡ nên hay được dùng để làm thuốc và các món bổ dưỡng.

- Gà Lùn (Gà Tè): Gà Lùn có nguồn gốc từ lâu đời ở Việt Nam. Hiện nay gà Lùn được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Bắc. Gà Lùn có nhiều hình thể và màu lông khác nhau: Vàng rơm, vàng đất, hoa mơ, trắng tuyền, nâu đậm, nâu nhạt. Mào thuộc loại đơn có 5 răng cưa. Mào và tích ở gà trống phát triển có màu đỏ tươi, có ít con mào nụ. Da vàng hoặc trắng. Chân có hai hàng vảy màu hồng. đặc biệt xương bàn chân ngắn (chỉ 4 cm).

- Gà Văn Phú: Gà có xuất xứ ở xã Văn Phú, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Gà Văn Phú có màu lông đen toàn thân, đôi khi vùng bụng và đùi màu tro nhạt. Ngoài ra không có màu lông khác. Mỏ đen, đầu vừa phải, mắt to và tinh nhanh. Mào đơn có 5-6 răng cưa dựng đứng, phát triển vừa phải. Thân bầu bĩnh cân đối đẹp. Hai cánh ốp sát thân. Đuôi dài cân đối với thân, chân cao thanh có 2-3 hàng vẩy màu đen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục