Các hãng hàng không phải "bù lỗ" vì tỷ giá tăng cao

Do phần lớn chi phí đầu vào là thanh toán bằng ngoại tệ, các hãng hàng không nội địa đang phải bù lỗ trong bối cảnh tỷ giá tăng cao.
Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thực tế khoảng 70% chi phí đầu vào của ngành hàng không phải thanh toán bằng ngoại tệ, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND ngày càng tăng cao đã làm cho các hãng hàng không nội địa lâm vào cảnh khó khăn.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Trước sự biến động của tỷ giá ngoại tệ thì đây là khó khăn mà tất cả các hãng hàng không nội địa đang cùng gặp phải.”

“Chính sách giá trần nội địa chưa phù hợp với quá trình điều chỉnh tỷ giá đã khiến cho hãng phải bù lỗ khoảng 30 triệu USD cho mạng đường bay nội địa trong năm 2010,” ông Minh chia sẻ.

Ông Minh cũng cho biết thêm: “Vietnam Airlines đã phải bù vào khoản chi phí chênh lệch tỷ giá trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2010 khi thị trường ngoại tệ luôn có biến động.”

Ông Lê Hoàng Dũng, người phát ngôn của Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác cũng đang nghiên cứu và có đề xuất về giá vé trần với liên bộ Giao thông-Tài Chính để điều chỉnh phù hợp với thị trường.

“Hiện phương án nâng giá trần vé máy bay nội địa của hãng vẫn còn đang bàn. Hãng chưa có quyết định cụ thể gì về việc này,” ông Dũng khẳng định.

Hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, Jetstar Pacific Airlines vừa đề xuất tăng giá vé máy bay lên mức cao nhất 4 triệu đồng. Tuy nhiên hãng vẫn duy trì các loại vé giá rẻ với mức thấp nhất 15.000 đồng để đảm bảo sự cạnh tranh.

Theo đại diện hãng Jetstar Pacific, cuối năm 2010 đã có 2 hãng đề xuất nâng giá vé trần máy bay nhưng liên bộ Tài chính-Giao thông vẫn đang bàn và chưa có thông báo, quyết định.

“Cụ thể, trong đề xuất đó, hai hãng này đã yêu cầu mức tăng giá 20%,” đại diện Jetstar cho hay.

Đại diện hãng Jetstar cũng cho biết thêm: “Trong bối cảnh tỷ giá luôn biến động, hãng Jetstar phải thanh toán 80% chi phí đầu vào bằng ngoại tệ nên luôn phải bù lỗ. Việc kinh doanh là phải có lãi. Vì thế, việc điều chỉnh giá trần là điều cần thiết.”

Thông thường khi giá cước tăng cao, hành khách thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng” cắt giảm chi tiêu, hạn chế đi lại. Doanh nghiệp vận tải vì thế mà chao đảo, không phát triển được trong một thời gian nhất định.

Tuy nhiên, hầu hết các hãng hàng không cũng đều nhận định nên nới rộng biên độ giá trần vé máy bay hợp lý phù hợp với từng đối tượng để thu hút hành khách.

Trong khi giá vé trần có tăng hay không thì việc các hãng hàng không chỉ còn cách tiết kiệm, cắt giảm chi phí là biện pháp bù lỗ duy nhất.

Trước thông tin vào tháng 3 tới sẽ tăng giá vé máy bay, ông Lưu Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, giá vé có tăng trần hay không phụ thuộc vào cơ quan có thẩm quyền là Liên bộ Tài chính-Giao thông Vận tải. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét thực tế thị trường và khó khăn của doanh nghiệp để từ đó sẽ có chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp.

“Theo đúng quy trình, các hãng hàng không sẽ phải có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tăng giá vé máy bay. Trên cơ sở đó, cơ quan này sẽ đề xuất với Bộ Tài chính để tính toán và có quyết định cuối cùng,” ông Bình cho hay./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục