Các hiệp định thương mại lớn đe dọa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Theo tổ chức Sierra Club, các quyền hợp pháp mà các tập đoàn có được theo các hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương có thể xói mòn những nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Các hiệp định thương mại lớn đe dọa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ảnh 1Hồ Aleixo ở Manaus, Amazonas, Brazil nứt nẻ do hạn hán. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tổ chức về môi trường Sierra Club, các quyền hợp pháp mà các tập đoàn trên toàn cầu có được theo các hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương có thể xói mòn những nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Sierra Club cho rằng hai hiệp định được Mỹ thúc đẩy sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thông qua tòa án phản đối các chính sách công được đề ra với mục đích hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trong một báo cáo mới, tổ chức này cho biết 45 trong số 50 tập đoàn tư nhân từ trước tới nay phải chịu trách nhiệm cho việc thải khí gây ô nhiễm môi trường nhất sẽ có quyền phản đối các chính sách về môi trường, nếu hai hiệp định trên được thực thi.

Báo cáo nhằm vào vấn đề giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ (ISDS), một trong những điều khoản gây tranh cãi nhất trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang trong quá trình đàm phán.

ISDS cho phép các công ty yêu cầu trọng tài quốc tế phân xử khi có tranh cãi với chính phủ các nước mà họ đầu tư vào. Điều này có thể cho các công ty sự bảo vệ lớn hơn trước việc bị đối xử không công bằng, nhưng những người chỉ trích cho rằng nó sẽ cho phép các công ty xem thường hệ thống tư pháp và các chính sách quốc gia nơi họ đầu tư.

ISDS đã được đưa vào các thỏa thuận thương mại song phương của Mỹ nhưng sẽ được mở rộng đáng kể trong TPP và TTIP.

Sierra Club cho rằng ISDS mở đường để các công ty năng lượng và khai khoáng đòi bồi thường nếu chính sách của một nước cản trở các kế hoạch đầu tư của họ cho việc thăm dò, khai thác và đường ống dẫn. Tổ chức này lưu ý đến việc TransCanada của Canada đã dựa vào Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để đòi bồi thường 15 tỷ USD thông qua một tòa án, sau khi Chính phủ Mỹ năm ngoái đã ngăn chặn dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL.

Theo cố vấn chính sách cấp cao về thương mại của Sierra Club, Ben Beachy, với TPP và TTIP, số đơn đòi bồi thường như vậy có thể tăng. Ông cho rằng không một hiệp định thương mại nào trước đó cho các công ty các quyền với những lợi ích như vậy trong việc duy trì sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Mỹ và những tập đoàn có được khả năng đó là những tập đoàn gây ô nhiễm nhất thế giới.

Tuy nhiên, những người bảo vệ các thỏa thuận thương mại nói rằng TPP rõ ràng là đã cho các chính phủ có quyền thực thi các chính sách về môi trường và y tế vì quyền lợi của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục