Các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà xả nước đổ ải vụ Đông Xuân

Từ 7 giờ sáng 16/1, các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã bắt đầu xả nước tập trung đợt một trong bảy ngày để phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2014-2015 khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà xả nước đổ ải vụ Đông Xuân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hồ Cầu/TTXVN)

Từ 7 giờ sáng ngày 16/1, các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã bắt đầu xả nước tập trung đợt một trong bảy ngày, đến 24 giờ ngày 22/1 để phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2014-2015 khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Theo Kế hoạch xả nước các hồ chứa thủy điện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống nhất nhằm cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân này, có ba đợt xả nước, gồm, đợt một lấy nước từ 0 giờ ngày 19/1 đến 24 giờ ngày 23/1; đợt hai từ 0 giờ ngày 30/1 đến 24 giờ ngày 7/2 và đợt ba từ 0 giờ ngày 13/2 đến 24 giờ ngày 17/2.

Để đảm bảo đủ nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2014-2015 khu vực T rung du và đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời đảm bảo cung cấp điện mùa khô, Phó Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết Tập đoàn đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) điều tiết nước các hồ thủy điện và vận hành hệ thống điện hợp lý để đáp ứng nhu cầu nước và đảm bảo kế hoạch cung cấp điện.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương để đảm bảo hiệu quả cao nhất của ba đợt lấy nước tập trung. Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc phối hợp với các Công ty Điện lực đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho các trạm bơm điện trong thời gian lấy nước tập trung.

Hiện Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội cùng các Công ty Điện lực đã làm việc với các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các ông ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thống nhất phương án đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho tất cả các trạm bơm điện, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối và các trạm bơm dã chiến.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã làm việc với các địa phương trên địa bàn tổ chức cho nông dân nạo vét kênh mương và làm thủy lợi nội đồng, chủ động bơm sớm, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn từ các nguồn nước sẵn có ở sông, ngòi.

Các Công ty Điện lực chủ động kiểm tra, sửa chữa lưới điện cấp cho các trạm bơm nước; bám sát lịch làm việc của các trạm bơm trong thời gian lấy nước, lịch thời vụ của địa phương để cung ứng điện an toàn, liên tục (24 giờ/24 giờ) và đảm bảo chất lượng cho các trạm bơm điện trong từng giai đoạn. Mặt khác, các công ty tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh trong tình huống xảy ra sự cố lưới điện. Mục tiêu là lấy đủ nước vào ruộng trong thời gian xả nước tập trung từ các hồ thủy điện để tránh lãng phí nước và tiết kiệm sử dụng điện.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngay từ khi xả nước đợt một, các Công ty khai thác công trình thủy lợi theo dõi sát nguồn nước trong thời gian xả nước tập trung để bơm nước vào hệ thống thủy nông, sử dụng có hiệu quả nguồn nước từ các hồ thủy điện, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước đổ ải và tưới dưỡng cho lúa.

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho rằng, trong các địa phương trên, Vĩnh Phúc là điểm nóng về lấy nước phục vụ cho vụ Đông Xuân. Theo ông Tuấn, có năm 29 Tết nông dân nơi đây phải ra đồng nhưng mới lấy được vài phần trăm nước. Vì vậy năm nay, tỉnh cần vận động người dân lấy nước ở mức tối đa nhất trong hai đợt đầu và phải trữ nước ở mức cao nhất, đồng thời phải đôn đốc sản xuất cây vụ Đông sớm để kịp thời lấy nước tập trung.

Còn ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc chia sẻ công tác chuẩn bị ở Vĩnh Phúc đã sẵn sàng. Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã đầu tư rất đầy đủ cho thủy lợi, kênh tưới nội đồng nên việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng thuận lợi.

“Vĩnh Phúc xác định đợt hai lấy nước chính và đợt ba là dự phòng. Trong tổng số 41.000ha thì có 30.000ha trồng lúa, chỉ có 15.000ha phụ thuộc vào nguồn nước từ EVN nên Tập đoàn cần đưa ra phương án dự phòng cho tình huống xấu nhất là có thể bị sự cố mất điện," ông Dũng đề nghị .

Về phía Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc Công ty, ông Phạm Văn Dũng cam kết đảm bảo lưới điện vận hành các trạm bơm và chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng để khắc phục sự cố một cách nhanh nhất.

G iám đốc Công ty Thủy nông Vĩnh Sơn, ông Nguyễn Gia Quyền, cho hay hiện ba trạm bơm đầu mối của Công ty đã bảo dưỡng xong, còn 250 trạm bơm nhỏ đã được bảo dưỡng và sửa chữa ổn định. Kênh mương nội đồng cũng đã xong nạo vét. Mô hình quản lý thủy nông của Vĩnh Phúc khác với các nơi khác là đưa nước tới tận ruộng cho người dân chứ không chỉ đưa vào nội đồng .

Để đảm bảo có đủ nước theo đúng yêu cầu, theo A0, lượng nước xả bình quân ngày từ các hồ thủy điện dự kiến khoảng 2.300m3/s, với tổng lượng nước xả trong 25 ngày (cả ba đợt) khoảng 5,8 tỷ m3. Trong đó, lượng xả vào các ngày đầu mỗi đợt khá lớn (khoảng 2.800-2.900 m3/s) và giảm dần vào những ngày cuối khi triều cường đã đạt mức cao. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội thường xuyên duy trì từ 2.2m trở lên. Sau ba đợt xả, A0 tính toán, mức nước các hồ Hòa Bình giảm 11,34m, Tuyên Quang 14,53m và Thác Bà giảm 3,65m.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết với lịch lấy nước đợt một, các địa phương trong khu vực sẽ tập trung đưa nước và trữ nước vào hệ thống kênh tiêu, hồ ao, thau chua, rửa mặn, đổ ải và làm đất các diện tích gieo cấy lúa Xuân sớm, Xuân trung. Đợt hai là đợt chủ lực, nên các địa phương sẽ lấy nước phục vụ làm đất để gieo cấy lúa Xuân muộn (chiếm 90-95% diện tích). Đợt ba cấp nước cho các diện tích còn lại, chủ yếu là nền đất canh tác cây vụ Đông, thu hoạch gần Tết âm lịch và trữ nước phục vụ tưới dưỡng.

Ngày 14/1, Tổng cục Thủy lợi đã có Công điện gửi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 12 tỉnh, thành phố là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình; Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Bắc Hưng Hải, Sông Nhuệ và Bắc Nam Hà bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa để quản lý chặt nguồn nước, không để rò rỉ lãng phí.

Tổng cục Thủy lợi cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ Đông, dồn điền, đổi thửa để tạo mặt bằng gieo cấy lúa, tuyệt đối không phát sinh nhu cầu bổ sung nguồn nước từ các hồ thủy điện ngoài ba đợt xả đã thống nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục