Các lâm trường quốc doanh quản lý rừng không tốt

Theo ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển, hiện nay việc quản lý rừng ở các lâm trường quốc doanh không hiệu quả.
Ngày 10/5, tại Hà Nội, Viện tư vấn phát triển (CODE) đã tổ chức một cuộc tọa đàm về Thực trạng và xung đột trong quản lý, sử dụng đất rừng giữa lâm trường quốc doanh với người dân địa phương.

Đây là một trong những cuộc tọa đàm trước khi diễn ra hội thảo khoa học về tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong việc rà soát đất đai, sắp xếp đổi mới lâm trường quốc doanh, do CODE phối hợp với một số đối tác tổ chức.

Tại cuộc tọa đàm, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng CODE cho biết, sau gần 10 năm thực hiện sắp xếp đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, kết quả đã không đạt được như mong muốn của Chính phủ đề ra.

Ông Tú cho biết trên thực tế, những diện tích rừng và đất rừng được giao cho các lâm trường quốc doanh quản lý tài nguyên rừng bị suy giảm đáng kể cả về diện tích và chất lượng rừng, đặc biệt là từ sau thời kỳ đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường.

Theo ông Tú, việc quản lý rừng của các lâm trường quốc doanh không hiệu quả cũng có nhiều nguyên nhân như do diện tích quản lý lớn, năng lực quản lý yếu. Trong khi đó, những diện tích đất rừng do lâm trường quốc doanh quản lý có khoảng 14 triệu người dân, chủ yếu là người dân tộc sinh sống và họ đã dùng nhiều diện tích này để canh tác.

Tiến trình rà soát, sắp xếp đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh diễn ra chậm chạp và gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc chưa giải quyết được, đặc biệt là vấn đề rà soát, đánh giá và giải quyết các tranh chấp đất đai của lâm trường quốc doanh. Trong những năm gần đây, mâu thuẫn tranh chấp đất rừng giữa người dân địa phương với các lâm trường ngày càng nhiều.

Ông Tú khẳng định, việc đẩy nhanh tiến trình sắp xếp đổi mới lâm trường quốc doanh để đảm bảo các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả hơn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại các đia phương là việc làm cần thiết, bức bách.

Để đảm bảo quá trình thực thi thuận lợi, cần phải rà soát, đánh giá đất đai của lâm trường quốc doanh trên cơ sở đảm bảo khắc phục được tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân địa phương, đảm bảo đất rừng cho không gian sinh tồn/không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số./.
 
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục