Các lực lượng Libya giành lại khu vực quan trọng tại Benghazi

Các lực lượng trung thành với Chính phủ Libya được quốc tế công nhận đã giành lại Lithi, một khu vực quan trọng ở trung tâm thành phố Benghazi từ các tay súng Hồi giáo.
Các lực lượng Libya giành lại khu vực quan trọng tại Benghazi ảnh 1Libya đã từ lâu rơi vào tình trạng hỗn loạn của các phe phái chống đối nhau. (Ảnh: sensiblereason.com)

Ngày 24/2, các lực lượng trung thành với Chính phủ Libya được quốc tế công nhận đã giành lại Lithi, một khu vực quan trọng ở trung tâm thành phố Benghazi lớn thứ hai nước này, từ các tay súng Hồi giáo.

Quân đội Libya tuyên bố sau nhiều ngày giao tranh, khu vực Lithi, vốn là thành trì của các tay súng cực đoan, trong đó có nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã được giải phóng hoàn toàn. Tổng tư lệnh quân đội Libya, Tướng Khalifa Haftar ca ngợi bước tiến này là "thành quả của sự kiên nhẫn."

Trong khi đó, Quốc hội được quốc tế công nhận ở Libya một lần nữa không tiến hành được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, bước đi được xem là quan trọng trong việc chấm dứt khủng hoảng chính trị và xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là Quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya.

Tình trạng trên đẩy Libya vào cảnh có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song. Lợi dụng bất ổn đó, IS tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya.

Theo một thỏa thuận tháng 12/2015 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, một Hội đồng Tổng thống Libya được thành lập gồm các đại diện của hai Quốc hội đối địch.

Ngày 15/2 vừa qua, Hội đồng này đã đề xuất thành lập một chính phủ đoàn kết gồm 18 thành viên, trong đó có 13 bộ trưởng và 5 quốc vụ khanh.

Theo dự kiến ban đầu, Quốc hội được quốc tế công nhận tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ đoàn kết dân tộc vào ngày 16/2, nhưng sau đó đã lùi thời điểm bỏ phiếu sang ngày 23/2 do một số nghĩ sỹ bất bình khi phải đưa ra quyết định quá nhanh, đồng thời yêu cầu cho biết lý lịch của các Bộ trưởng được đề xuất.

Tuy nhiên, một nghị sỹ cho biết do thiếu số đại biểu cần thiết, Chủ tịch Quốc hội ngày 23/2 đã hoãn phiên họp sang tuần tới. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler bày tỏ quan ngại về sự trì hoãn này, đồng thời hối thúc đẩy nhanh tiến trình chính trị tại Libya để ngăn IS mở rộng địa bàn.

Xung đột tại Libya khiến phương Tây lo ngại nguy cơ các nhóm cực đoan trong đó có IS sẽ thiết lập một đầu cầu chỉ cách châu Âu 300 km. Italy ngày 23/2 đã cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự tại Sicily để tiến hành không kích chống IS tại Libya.

Tuần trước, máy bay chiến đấu của Mỹ đã xuất kích từ căn cứ của không lực Hoàng gia Anh để tấn công trại huấn luyện của Is tại thành phố Sabratha, phía Tây Libya.

Trong khi đó, Algeria lo ngại các phần tử IS từ Libya sang nước này để tránh các đợt không kích của Mỹ, cũng như khả năng can thiệp quân sự của quốc tế vào Libya.

Nhằm ngăn ngừa khả năng này, những quân đội Algeria đã tăng cường giám sát biên giới với Libya trong những ngày qua. Theo đó, bên cạnh tăng cường giám sát trên đất liền với việc tăng quân số triển khai tại khu vực biên giới với Libya, Algeria cũng triển khai các máy bay trinh sát không người lái để giám sát trên không.

Theo các nguồn tin an ninh, nhiều máy bay trinh sát không người lái đã được triển khai trên một khu vực rộng lớn tại biên giới ở tỉnh Illizi, có đường biên giới dài hơn 1.000 km giữa hai nước, cách thủ đô Algiers 2.000 km.

Giới phân tích an ninh và chính trị an ninh của Algeria quan ngại rằng việc phương Tây can thiệp quân sự tại Libya để chống IS có thể khiến cuộc khủng hoảng lan rộng ra toàn khu vực Bắc Phi.

Một cựu quan chức tình báo Algeria cảnh báo chiến sự sẽ tạo ra một làn sóng người tị nạn và các phần tử khủng bố có liên hệ với IS sẽ lợi dụng điều này để thâm nhập Algeria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục