Các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương “có thể cùng thắng”

Chuyên gia Trường Kinh tế Chính trị Khoa học London nhận định diễn đàn APEC đã đưa ra cam kết tăng cường phụ thuộc lẫn nhau vì vậy sẽ mang lại các kết quả có lợi cho tất cả các bên.
Các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương “có thể cùng thắng” ảnh 1Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn APEC 22. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ông Michael Cox, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế Chính trị Khoa học London (Vương quốc Anh), vừa nhận định diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã đưa ra cam kết chung của các nền kinh tế thành viên, tăng cường phụ thuộc lẫn nhau và vì vậy sẽ mang lại các kết quả có lợi cho tất cả các bên.

Trước đó, Hội nghị cấp cao APEC tại Bắc Kinh vừa kết thúc ngày 11/11 với Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 22 và Thông báo kỷ niệm 25 thành lập APEC, trong đó điểm lại các thành tựu trong quá khứ và xây dựng tầm nhìn cho tương lai.

Theo ông Michael Cox, tương lai dài hạn của kinh tế thế giới đang phụ thuộc vào tăng trưởng và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như sự đóng góp của khu vực này.

APEC cần được coi như một tiến trình phát triển dài hạn góp phần vào tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị trong khu vực.

Ông Cox nói: “Nếu điều này diễn ra trong dài hạn, chúng ta sẽ không thấy có sự thay đổi lớn nào trong sáu tháng hay một năm nhưng sẽ chứng kiến những chuyển biến hướng tới mục tiêu ổn định và thịnh vượng dài hạn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Với chủ đề “Định hình Tương lai thông qua Đối tác châu Á-Thái Bình Dương,” hội nghị cấp cao APEC lần này đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng từ hội nhập kinh tế khu vực đến phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng, cơ sở hạ tầng và kết nối.

Về các vấn đề này, ông Cox nói: “Hiện có những cải cách kinh tế, liên kết, giảm thuế, đảm bảo hoạt động thương mại tự do hơn và đầu tư tài chính gia tăng trên toàn khu vực, trong đó mỗi nhân tố đều có ý nghĩa quan trọng.”

Ông Cox tin tưởng rằng khái niệm "Giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương," do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất trong hội nghị lần này, cũng có thể góp phần vào sự thịnh vượng và ổn định chung của khu vực.

Ngoài ra, ông Cox cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin cho khu vực vì “nếu không có sự ổn định trong quan hệ kinh tế-chính trị trong khu vực thì sẽ có những hiểu lầm và thiếu lòng tin giữa các thành viên.”

Đồng thời, ông Cox cho rằng APEC cần đóng vai trò một diễn đàn “toàn diện” với tất cả tiếng nói của các thành viên cần được quan tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục