Các nghị sỹ Hồi giáo dòng Shiite tẩy chay Quốc hội Kuwait

Toàn bộ chín nghị sỹ người Hồi giáo dòng Shiite tại Quốc hội Kuwait đã tẩy chay cơ quan này - một ngày sau vụ xét xử quy mô lớn các thành viên Shiite với cáo buộc làm gián điệp cho Iran.
Các nghị sỹ Hồi giáo dòng Shiite tẩy chay Quốc hội Kuwait ảnh 1Quang cảnh tại Quốc hội Kuwait. (Nguồn: AFP)

Ngày 13/1, toàn bộ chín nghị sỹ người Hồi giáo dòng Shiite tại Quốc hội Kuwait đã tẩy chay cơ quan này.

Động thái trên diễn ra một ngày sau vụ xét xử quy mô lớn các thành viên của cộng đồng người Hồi giáo Shiite với cáo buộc làm gián điệp cho Iran.

Các nghị sỹ trên đã tẩy chay một phiên họp kín của Quốc hội Kuwait nhằm thảo luận về tác động của những xung đột ở khu vực đối với quốc gia này sau các vụ tấn công nhằm vào các phái bộ ngoại giao của Saudi Arabia tại Iran.

Một trong số các nghị sỹ nói trên, ông Saleh Ashour, tuyên bố việc các tín đồ Shiite bị buộc tội làm gián điệp cho Iran và đứng trong hàng ngũ của phong trào Hồi giáo Shiite Hezbollah tại Liban đã khiến sự phẫn nộ của cộng đồng này tại Kuwait lên đến cực điểm trong những ngày gần đây.

Sau phiên họp, Quốc hội Kuwait đã bác bỏ những hành động mà cơ quan này cho là làm suy yếu an ninh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đồng thời bày tỏ dành sự ủng hộ tuyệt cho Saudi Arabia.

Ngày 12/1 vừa qua, một tòa án ở Kuwait đã tuyên án tử hình hai bị cáo, trong đó có một người Iran bị xử vắng mặt, làm gián điệp" cho Tehran và âm mưu thực hiện các vụ tấn công tại quốc gia vùng Vịnh này.

Hai bị cáo trên nằm trong số 26 người Hồi giáo dòng Shiite ở Kuwait trong đợt xét xử lần này, trong đó có một người bị kết án chung thân, 19 người lĩnh án tù từ 5-15 năm, ba đối tượng được tuyên trắng án và một người phải nộp phạt. Các bị cáo cũng bị buộc tội làm gián điệp cho phong trào Hezbollah của Liban được Iran hậu thuẫn.

Phán quyết trên được Kuwait đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia căng thẳng sau khi Riyadh ngày 2/1 xử tử 47 đối tượng bị cáo buộc các tội danh liên quan khủng bố, trong đó có giáo sỹ dòng Shiite Nimr al-Nimr, dẫn tới bùng phát các cuộc biểu tình phản đối Saudi Arabia tại các nước có người Hồi giáo Shiite chiếm đa số.

Tại Iran đã xảy ra một loạt vụ tấn công đốt phá nhằm vào Đại sứ quán và Lãnh sự quán Saudi Arabia.

Sau vụ tấn công này, Riyadh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran, trong khi một số nước Arab đồng minh của Saudi Arabia cũng có động thái tương tự, trong đó có Bahrain và Sudan. Các nước Arab khác đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran hoặc triệu hồi đại sứ tại Tehran về nước, trong đó có Kuwait./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục