Các núi lửa ở New Zealand liên tiếp hoạt động trở lại

Chỉ trong hai ngày liên tiếp, hai núi lửa ở đảo chính phía Bắc của New Zealand đã hoạt động trở lại, phun nhiều tro bụi vào không khí.
Một ngày sau khi núi lửa Tongariro, nằm ở đảo chính phía Bắc của New Zealand, hoạt động trở lại, ngày 8/8, camera giám sát núi lửa của Viện khoa học địa lý và hạt nhân New Zealand (GNS) đã ghi lại nhừng hình ảnh phun tro bụi của núi lửa White Island, nằm ngoài khơi phía Bắc nước này.

Tuy nhiên, các nhà khoa học của GNS chưa có xác nhận mối liên quan giữa hai núi lửa trên.

Craig Miller, một chuyên gia núi lửa của GNS nói rằng camera giám sát nằm ở rìa miệng núi lửa đã bị phủ đầy bụi và bùn vào sáng 8/8 và có thể có một dạng phun trào nhỏ đã diễn ra.

Hiện nay, núi lửa này đã được áp mức cảnh báo núi lửa cấp độ 2 - núi lửa hoạt động ở mức độ thấp nhất đồng thời khu vực bầu trời ở White Island được đặt ở mức cảnh báo nguy hiểm hàng không màu da cam.

Trong khi đó, núi lửa Tongariro vốn phun tro bụi lên độ cao 6.100m của bầu khí quyển, phủ bụi khắp khu vực đảo chính phía Bắc và cản trở hoạt động hàng không ở New Zealand, chưa xuất hiện thêm các rung chấn mới.

Dọc quanh khu vực núi Tongariro, cư dân đã bắt đầu dọn dẹp tro bụi từ sáng sớm 7/8. Mưa lớn đã gột sạch phần lớn tro bụi, khiến các dòng suối biến thành màu xám.

Hoạt động hàng không ở New Zealand đã trở lại bình thường bởi các đám mây bụi còn lại đã trôi ra biển trong đêm. Ở thủ đô Wellington, cách núi lửa Tongariro hơn 250km, mùi lưu huỳnh vẫn còn bốc lên nồng nặc.

Núi lửa Tongariro hoạt động trở lại vào chiều 6/8, kể từ lần hoạt động vào năm 1897.

Cả White Island và Tongariro, đều nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các tầng địa chất của Trái Đất va chạm vào nhau, biến nó thành trung tâm của các trận động đất và núi lửa phun trào.

Một trong những thảm họa núi lửa gây thương vong nhất ở New Zealand xảy ra vào năm 1953, khi mảnh vỡ nham thạch từ vụ phun trào núi lửa Ruapehu, ở đảo chính phía Bắc, đánh sập một cây cầu và làm một con tàu bị trật đường ray lao xuống sông, khiến 151 người thiệt mạng. Núi lửa Tarawera ở cùng khu vực cũng phun trào trong năm 1886 làm 120-150 người chết./.

Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục