Các nước Arab chỉ trích Qatar đặt điều kiện tiên quyết để đàm phán

Truyền thông địa phương đưa tin, các nước Arab gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập ngày 7/9 đã chỉ trích Qatar vì đặt điều kiện tiên quyết để đàm phán.
Các nước Arab chỉ trích Qatar đặt điều kiện tiên quyết để đàm phán ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: gulf-insider.com)

Theo Sputniknews.com, truyền thông địa phương đưa tin, các nước Arab gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập ngày 7/9 đã chỉ trích Qatar vì đặt điều kiện tiên quyết để đàm phán về phương thức chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Kênh Sky News dẫn tuyên bố chung của các nước Arab nói trên cho rằng, yêu cầu của Qatar đòi dỡ bỏ phong tỏa đường không, đường bộ và đường biển thể hiện nước này không nghiêm túc xem xét những quan ngại của 4 nước trên.

Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập hồi đầu tháng 6 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến vận tải với Qatar sau khi cáo buộc Doha can thiệp vào công việc nội bộ của những quốc gia này và ủng hộ khủng bố trong khu vực.


[Saudi Arabia nêu điều kiện để Qatar "chấm dứt khủng hoảng"]

Liên quan đến căng thẳng trên, báo điện tử Gulfnews của UAE ngày 7/9 dẫn một báo cáo nghiên cứu nhận định tác động của cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài sang năm 2018 có thể dẫn đến tình trạng thiếu thốn hàng hóa và lượng thực ở Qatar, thậm chí sẽ gây ra bất ổn xã hội, dẫn đến nguy cơ đảo chính hoặc sự can thiệp từ bên ngoài vào quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này.

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn báo cáo dự kiến được công bố tại Hội nghị "Qatar: An ninh và Ổn định toàn cầu" diễn ra ở London (Anh) vào ngày 14/9 tới cho biết sau 4 tháng kể từ khi nhóm 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain chấm dứt quan hệ ngoại với Qatar đồng thời áp đặt lệnh cấm vận đối với Doha, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt.

Bốn quốc gia Arab và vùng Vịnh đã đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc yêu cầu Doha ngừng hỗ trợ tài chính cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, đồng thời chấm dứt hành động "dung dưỡng" các nhân vật bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, cũng như đảm bảo rằng Qatar tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận Riyadh năm 2012 và 2014.

Báo cáo nghiên cứu cho rằng việc 4 nước Arab tẩy chay Qatar đã và đang gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế đối với Qatar, dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa và lương thực ở nước này. Bất ổn xã hội có nguy cơ xảy ra và người dân có thể đối mặt với sự đàn áp ngày càng gia tăng từ lực lượng an ninh nước này. Báo cáo cũng đề cập đến khả năng có sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Qatar, cho rằng chế độ hiện nay của Qatar có nguy cơ sụp đổ nếu đảo chính nổ ra./.

 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục