Các nước châu Âu tìm cách đối phó với khủng hoảng di cư

Châu Âu chưa có được sự đồng thuận về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư này vì vậy các nước đang có kế hoạch riêng để đối phó với tình trạng này.
Các nước châu Âu tìm cách đối phó với khủng hoảng di cư ảnh 1Dòng người di cư chen nhau lên tàu tại nhà ga Keleti ở Budapest ngày 10/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Macedonia Nikola Poposki cho biết nước này có thể làm giống như Hungary xây dựng một hàng rào dọc biên giới để ngăn chặn làn sóng đông đảo người di cư và tị nạn đang hàng ngày vượt đường bộ qua các nước vùng Balkan tìm đường đến Tây Âu.

Tờ tuần báo Figyelo của Hungary đăng bài phỏng vấn ông Poposki, trong đó ông tiết lộ có thể kết hợp hai loại hàng rào: binh sỹ và dây thép gai để giảm số người nhập cư trái phép.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Macedonia, hiện nước này có thể cho phép từ 3.000 đến 4.000 người di cư đi qua đất nước mỗi ngày trên con đường đến Serbia và Hungary.

Song ông Poposki cũng nhấn mạnh rằng hiện châu Âu chưa có được sự đồng thuận về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư này.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, 160.000 người đã đi qua Macedonia trên con đường di cư, gây nên tình trạng hỗn loạn khiến hồi tháng trước chính phủ nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trong lúc này, đất nước trung chuyển khác là Hungary đang xem xét ban bố tình trạng "khủng hoảng" trên cả nước do làn sóng người di cư đổ vào quá đông.

Đề xuất của Bộ Nội vụ Hungary sẽ được thảo luận tại cuộc họp chính phủ ngày 15/9 tới.

Tuy nhiên, Chính phủ Hungary dự định sẽ rút lại đề xuất lập những "vùng trung chuyển" tại biên giới Serbia, đồng thời lập kế hoạch đón tiếp và cho người di cư lưu trú tại các trạm đăng ký trong khi chờ xử lý đơn xin tị nạn của họ.

Dù nằm trong dự luật đã được Quốc hội Hungary thông qua ngày 4/9 và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9 tới, song dự án "vùng trung chuyển" tại khu vực vành đai trắng bên ngoài biên giới Hungary, cho phép triển khai quân đội để kiểm soát người di cư tại đây, đã gây tranh cãi về tính pháp lý. Sau đây, các trạm đăng ký sẽ được thiết lập gần các trạm tị nạn.

Còn tại đất nước Bắc Âu thu hút người di cư do có luật di cư khá nới lỏng là Thụy Điển, chính phủ vừa quyết định tăng ngân sách đón tiếp và hội nhập người di cư, theo đó, 1,8 tỷ kronor (tương đương 215 triệu USD) sẽ được cấp cho các địa phương trong năm 2016 và tăng lên 2,6 tỷ kronor trong năm 2017.

Thủ tướng Stefan Lofven cho biết khoản ngân sách bổ sung này nhằm cung cấp cho người nhập cư các khóa học tiếng, đào tạo nghề, dịch vụ trông con trong lúc họ học tập, trường học cũng như đấu tranh chống phân biệt đối xử.

Trong năm 2014, Thụy Điển đã tiếp nhận 80.000 đơn xin tị nạn, số đơn trong tám tháng đầu năm nay đã lên tới 50.000.

Tính theo tỷ lệ với số dân (9 triệu người) thì Thụy Điển hiện đang là nước tiếp nhận người nhập cư đông nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Hiện các điểm nóng về người di cư tập trung ở biên giới Serbia-Hungary, nơi số người tập trung đạt kỷ lục 5.000 người trong ngày 10/9, Macedonia-Hy Lạp, nơi phóng viên hãng AFP thống kê được 50 xe buýt và ba đoàn tàu chở khoảng 5.500 người di cư rời Macedonia.

Đặc biệt tại đảo Lesbos của Hy Lạp, ngày 10/9 cảnh sát cho biết đã thống kê được 22.500 người di cư đến đảo này chỉ tính từ tối 7/9, chủ yếu là người Syria đến qua đường biển từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Số người di cư quá đông đồ về cùng lúc, nhiều người trong số họ còn không có giấy tờ tùy thân, đã khiến cảnh sát và cơ quan đăng ký khẩn cấp phải hết sức vất vả trong công tác tiếp nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục