Các nước GMS duyệt kế hoạch giao thông xuyên biên giới

Các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đã thông qua các biện pháp để đẩy nhanh và mở rộng giao thông và thương mại xuyên biên giới.
Các nước GMS duyệt kế hoạch giao thông xuyên biên giới ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 18 GMS ở Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đã thông qua các biện pháp để đẩy nhanh và mở rộng giao thông và thương mại xuyên biên giới, bao gồm tăng tốc các hiệp định song phương và ba bên giữa các quốc gia.

Ông James Lynch, Trưởng Ban Hợp tác khu vực thuộc Tổng Vụ Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết: “Thương mại, du lịch và đầu tư trong nội vùng rất quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng và tiêu chuẩn sống trong Tiểu vùng. Các quốc gia thành viên đã thỏa thuận tiếp tục các biện pháp thuận lợi hóa hỗ trợ thông quan nhanh và đơn giản hóa hơn nữa giao thông và thương mại, và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh các mục tiêu chung trong việc chuyển đổi các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế."

Tại kỳ họp thứ Tư của Ủy ban Hỗn hợp về Hiệp định Vận tải xuyên biên giới (CTBA) GMS tại Nay Pyi Taw, Myanmar, các bộ trưởng giao thông GMS đã phê duyệt một kế hoạch hành động 3 năm (2013-2016) để hỗ trợ triển khai giai đoạn tiếp theo của các biện pháp thuận lợi hóa giao thông và thương mại. Hiệp định giao thông đầu tiên này, được thông qua năm 2003, đã đề ra một kế hoạch về những biện pháp phi vật chất cần thiết để thúc đẩy giao thông đường bộ xuyên biên giới, bao gồm cả các thủ tục kiểm tra hải quan theo phương thức "một dừng." ADB là đối tác phát triển chủ chốt của GMS, và phục vụ với vai trò thư ký của Ủy ban Hỗn hợp.

GMS, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đối tác phát triển, gồm ADB và Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Quốc tế Australia (AusAID), đã đạt được tiến bộ quan trọng từ 2010 với các hiệp định vận tải song phương và cấp phép lưu thông; hiệp định về mở rộng Hành lang kinh tế Đông-Tây để có các thành phố quan trọng và các cảng biển nước sâu; và công bố cổng thông tin điện tử về kiến thức thuận lợi hóa thương mại và vận tải.

Là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong thời gian qua là hiệp định giữa Trung Quốc và Việt Nam cho phép xe tải và xe buýt của cả hai quốc gia có thể đi sâu vào lãnh thổ của nhau trên một tuyến 1.300km, thúc đẩy du lịch và thương mại.

Kế hoạch hành động 3 năm hướng tới triển khai nhanh chóng hơn các hiệp định cấp phép lưu thông song phương giữa Trung Quốc và Myanmar và Thái Lan, và thực hiện hiệp định ba bên giữa Trung quốc, Lào và Thái Lan, cũng như Campuchia, Lào và Thái Lan. Kế hoạch này cũng sẽ tập trung mở rộng các tuyến vận tải và du lịch, tăng hạn ngạch giao thông trong trao đổi cấp phép lưu thông, đơn giản hóa hơn nữa và cải tiến qui trình thủ tục hải quan, và khuyến khích thiết lập các cơ chế bảo hiểm phương tiện xuyên biên giới.

ADB là cơ quan hỗ trợ hàng đầu cho Chương trình Hợp tác Kinh tế GMS, xây dựng để tăng cường những kết nối giao thông, thương mại và du lịch, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, mở rộng tiếp cận tới dịch vụ xã hội, cải thiện tiếp cận và an ninh năng lượng, và bảo vệ môi trường.

Các thành viên của GMS bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, tỉnh Vân Nam và khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc. Tiểu vùng cùng nhau gắn với dòng Mekong, bao phủ một diện tích rộng khoảng bằng Tây Âu và dân số hợp lại nhiều hơn dân số Hoa Kỳ.

ADB, có trụ sở chính tại Manila, hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế đồng đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Trong năm 2012, ADB đã hỗ trợ tổng cộng 21,6 tỷ USD, trong đó có 8,3 tỷ USD tài trợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục