Các nước láng giềng ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc Libya

Các nước láng giềng của Libya ngày 22/3 nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya nhằm chống lại mối đe dọa từ IS.
Các nước láng giềng ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc Libya ảnh 1Hơn 4 năm sau làn sóng chính biến, Libya vẫn chìm trong hỗn loạn. (Ảnh: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, các nước láng giềng của Libya ngày 22/3 nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya nhằm chống lại mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo thánh chiến cực đoan cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong một thông cáo đưa ra sau cuộc họp ở thủ đô Tunis của Tunisia, ngoại trưởng các nước Tunisia, Algeria, Ai Cập, Cộng hòa Sudan, Niger và Cộng hòa Chad đã khẳng định sự ủng hộ đối với chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình này.

Các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Libya; bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Libya. Thông cáo nêu rõ an ninh và ổn định của Libya là rất quan trọng để đảm bảo an ninh cho các nước láng giềng.

Các ngoại trưởng kêu gọi các bên đẩy nhanh việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc tại Tripoli, giúp chính phủ này đảm bảo sứ mệnh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức, di cư bất hợp pháp, đảm bảo an ninh biên giới và cải thiện điều kiện sống của người dân Libya.

Đại diện các nước cũng từ chối mọi sự can thiệp quân sự tại Libya, đồng thời nhấn mạnh mọi hoạt động quân sự trong khuôn khổ chống chủ nghĩa khủng bố phải được thực hiện với sự yêu cầu của chính phủ đoàn kết dân tộc Libya và các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Tunisia Khemaïes Jhinaoui tuyên bố cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh tham vấn và hợp tác nhằm giúp Libya tìm ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler đã hối thúc các nước tham dự cuộc họp ủng hộ tiến trình chính trị do Liên hợp quốc đề xuất, trong bối cảnh các nhóm khủng bố đang lợi dụng sự chia rẽ chính trị trong nội bộ Libya và người dân Libya cũng như các nước láng giềng tiếp tục phải gánh chịu hậu quả.

Từ giữa năm 2014, tại Libya đã tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận bầu ra đã buộc phải chuyển tới Tobruk sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ mới dưới sự ủng hộ của cơ quan lập pháp cũ.

Liên hợp quốc hối thúc các chính trị gia đối địch ở Libya chấp nhận chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015.

Tuy nhiên, ngày 18/3 vừa qua, chính phủ ở Tobruk tuyên bố không chấp thuận cho chính phủ đoàn kết bắt đầu hoạt động và phản đối "các biện pháp của một số bên quốc tế muốn áp đặt chính phủ đoàn kết dân tộc", cho rằng những bước đi này sẽ "làm phức tạp thêm" cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya và gây chia rẽ sâu sắc hơn đất nước này.

Trước đó, chính phủ tự xưng tại Tripoli cũng ra tuyên bố nhấn mạnh chính phủ đoàn kết dân tộc mới sẽ không được hoan nghênh tại Tripoli.

Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi chính phủ đoàn kết dân tộc Libya chuyển về thủ đô Tripoli và nắm quyền, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt đối với những ai phá hoại tiến trình chính trị này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục