Các nước phản đối cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd tại Iraq

Nhằm phản đối cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq, ngày 25/9, Bộ Ngoại giao Iran đã đóng cửa biên giới với khu vực dân cư này.
Các nước phản đối cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd tại Iraq ảnh 1Người Kurd bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở thành phố Kirkuk, miền bắc Iraq ngày 25/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhằm phản đối cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq, ngày 25/9, Bộ Ngoại giao Iran đã đóng cửa biên giới với khu vực dân cư này.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tehran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi nêu rõ: "Theo yêu cầu của Chính phủ Iraq, chúng tôi đã đóng cửa biên giới trên không và trên bộ giữa Iran và khu vực của người Kurd."

Ông cũng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd là "bất hợp pháp và không được công nhận," đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Iran đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq.

Trước đó, Iran đã chặn tất cả các chuyến bay đến và đi khỏi khu vực tự trị của người Kurd theo yêu cầu của chính quyền trung ương Iraq cũng như tiến hành tập trận tại vùng biên giới giáp khu tự trị nói trên.

Cuộc trưng cầu ý dân của chính quyền người Kurd tại miền Bắc Iraq về nền độc lập diễn ra ngày 25/9 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương Baghdad và các nước láng giềng như Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng cảnh báo cuộc trưng cầu về độc lập của cộng đồng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại khu vực.

Tại Syria, Ngoại trưởng nước này Walid al-Moualem nhấn mạnh chính phủ nước này bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập do Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) tổ chức tại miền Bắc Iraq.

Hãng thông tấn Syria SANA dẫn lời ông al-Moualem khẳng định Syria chỉ công nhận một nhà nước Iraq thống nhất và bác bỏ bất kỳ thủ tục nào dẫn tới sự chia tách đất nước. Người đứng đầu ngành ngoại giao Syria khẳng định Damacus bác bỏ bước đi này và chúng tôi không công nhận nó.

[Thổ Nhĩ Kỳ thắt chặt kiểm soát biên giới với miền Bắc Iraq]

Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định nước này sẽ không bắt đầu một cuộc chiến sau khi người Kurd tổ chức trưng cầu ý dân đòi độc lập, tuy nhiên Ankara sẽ có những biện pháp bảo vệ mình.

Theo ông Yildirim, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngừng hoạt động vận chuyển dầu mỏ từ khu vực của người Kurd tại Iraq. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã siết chặt kiểm soát biên giới với Iraq.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara không công nhận cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd và coi kết quả cuộc bỏ phiếu này là không có giá trị, đồng thời nhấn mạnh KRG đang đe dọa tới hòa bình và ổn định của Iraq, cũng như toàn bộ khu vực.

Mỹ cảnh báo sẽ không thể giúp người Kurd tiến tới một thỏa thuận tốt hơn với Chính phủ Iraq nếu họ ngoan cố tiến hành cuộc trưng cầu, đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo người Kurd tại Iraq đối thoại nghiêm túc và lâu dài với chính quyền trung ương về mọi vấn đề liên quan, trong đó có tương lai mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương.

Báo cáo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nhận định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì cuộc trưng cầu này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục