Các nước tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề người di cư

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 6 về buôn lậu, buôn bán người và tội phạm xuyên quốc gia sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan và giải pháp lâu dài cho vấn nạn dòng người di cư.
Các nước tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề người di cư ảnh 1Người tị nạn Rohingya. (Nguồn: NYTimes)

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 6 về buôn lậu, buôn bán người và tội phạm xuyên quốc gia đã khai mạc ngày 23/3 tại đảo Bali của Indonesia với sự tham dự của 45 quốc gia thành viên, 17 nước quan sát viên, các cơ quan Liên hợp quốc như Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM).

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và người đồng cấp Australia Julie Bishop đã đồng chủ trì phiên khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh mục đích của sự kiện này là nâng cao khả năng đối phó với các tình huống khẩn cấp, tăng cường cơ chế thực thi pháp luật đối với các loại tội phạm.

Hội nghị cũng thảo luận về các vấn đề liên quan và giải pháp lâu dài cho vấn nạn dòng người di cư.

Nhắc lại sự kiện năm 2015, các nước trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã bị ảnh hưởng bởi dòng người tị nạn Rohingya di cư từ Myanmar và Bangladesh, quan điểm của Indonesia cho rằng trong vấn đề này, các khía cạnh nhân đạo phải thắng thế. Đó là lý do khiến Indonesia chấp nhận dòng người di cư bất thường năm ngoái.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Retno cho rằng vấn đề này không thể chỉ được giải quyết bởi một quốc gia mà cần phải thiết lập một cơ chế đặc biệt để các nước cũng hợp tác trong lĩnh vực này.

Để tiếp tục các nỗ lực tăng cường thực thi pháp luật của hội nghị Bali, bà Retno đề nghị các bên cần tăng cường hợp tác tình báo, hoạt động chung và phối hợp, hợp tác kiểm soát biên giới và an ninh hàng hải, đồng thời kêu gọi hợp tác để đẩy nhanh việc xử lý các vấn đề của người tị nạn.

Theo Ngoại trưởng Indonesia, vai trò của các tổ chức quốc tế có liên quan, như UNHCR và IOM và các xã hội dân sự cũng phải được tính đến trong quá trình này.

Ngoài ra, những vấn đề cần xử lý nhằm hỗ trợ giải quyết tận gốc vấn đề di cư được xác định là việc giảm nghèo, thất nghiệp và suy thoái môi trường.

Ngoại trưởng Indonesia đã cảm ơn tất cả các đại biểu về những cam kết nhằm giải quyết các vấn đề về nạn buôn bán người; nhấn mạnh với cam kết đó, các nước sẽ hợp tác tích cực hơn để đối mặt với những thách thức trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục