Các quốc đảo ở TBD thiếu nước ngọt nghiêm trọng

Biến đổi khí hậu đang ngày càng làm nghiêm trọng hơn nữa vấn đề nước, vốn đã hết sức căng thẳng, của các quốc đảo Thái Bình Dương.

Ngày 24/4, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố một nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu đã làm nghiêm trọng hơn nữa vấn đề nước vốn đã hết sức căng thẳng của các quốc đảo Thái Bình Dương.

Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNEP, Park Young-Woo, nêu rõ thách thức về nguồn nước ngọt mà khu vực đang phải đối mặt thực sự khổng lồ.

Các quốc đảo Thái Bình Dương không chỉ hạn chế về nguồn lực con người, tài chính và quản lý mà còn bị hạn chế về nguồn nước.

Nhu cầu cấp bách đối với khu vực là tăng cường hiệu quả sử dụng nước để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người và thúc đẩy phát triển bền vững.

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nước mưa đã đặt các nền kinh tế và cuộc sống của nhân dân các quốc đảo trước nhiều hiểm họa.

Gần 10% số ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc đảo này bắt nguồn từ các nguyên nhân liên quan đến nước và 90% các ca tử vong còn lại là do các nguyên nhân liên quan đến mất vệ sinh.

Nghiên cứu của UNEP nêu rõ rằng nhiều quốc đảo Thái Bình Dương không thể thực hiện được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) về cung cấp nước sạch và các điều kiện vệ sinh cơ bản vào năm 2015.

Như ở Fiji và Papua New Guinea, tỷ lệ tiếp cận nguồn nước sạch chỉ đạt 40% và 47%, tương đương với 50% mức trung bình toàn cầu và hai quốc đảo này không thể thực hiện được MDG về cải thiện tiếp cận nguồn nước sạch.

Các quốc đảo Thái Bình Dương cũng đứng trước những căng thẳng lớn nhất về sinh thái với nhiều đảo có từ 85-90% diện tích không có thực vật sống và hầu như không có khả năng xử lý nguồn nước thải từ các khu vực đô thị khiến nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nghiên cứu của UNEP nhấn mạnh quản lý nguồn nước trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc đảo Thái Bình Dương vì nguồn nước ở các quốc đảo này rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là khả năng quản trị và kỹ thuật rất hạn chế do tỷ lệ di cư cao của người lao động được đào tạo và có kỹ năng cao khỏi các quốc đảo này.

Thách thức này đòi hỏi các quốc đảo Thái Bình Dương thúc đẩy đường lối đổi mới và đưa ra các giải pháp phù hợp có tính đến các hạn chế kinh tế xã hội và địa lý phức tạp của mỗi quốc đảo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục