Các quỹ đầu tư chi gần 25 tỷ USD cho các vụ thâu tóm ở nước ngoài

Chỉ trong quý 3/2015, các quỹ đầu tư quốc gia đã chi tổng cộng 24,9 tỷ USD cho các vụ thâu tóm ở nước ngoài, gần gấp đôi so với quý trước, thông qua 28 thỏa thuận.
Các quỹ đầu tư chi gần 25 tỷ USD cho các vụ thâu tóm ở nước ngoài ảnh 1Khách sạn Westin Excelsior ở Rome đã được mua lai bởi Tập đoàn khách sạn Katara Hospitality của Qatar. (Nguồn: bq-magazine.com)

Theo số liệu của Thomson Reuters, các quỹ đầu tư quốc gia đã chi tổng cộng 24,9 tỷ USD cho các vụ thâu tóm ở nước ngoài trong quý 3/2015, gần gấp đôi so với quý trước, thông qua 28 thỏa thuận.

Tuy nhiên, con số trên vẫn thấp hơn so với mức đỉnh 30,6 tỷ USD đạt được vào quý 4/2014, khi các quỹ đầu tư quốc gia mua tài sản với tốc độ nhanh nhất kể từ khủng hoảng tài chính.

Dù vậy, số tiền được đầu tư trong quý vừa qua vẫn tăng mạnh so với quý 1, khi giá trị các thỏa thuận giảm xuống 5,4 tỷ USD cho 32 thương vụ.

Sự gia tăng giá trị thỏa thuận một phần do cơ hội đầu tư hạn chế, đặc biệt trong cơ sở hạ tầng, lĩnh vực mà một số quỹ khó có thể đạt được mục tiêu về phân bổ. Các quỹ khác đưa các tài sản mang tính biểu tượng vào danh mục đầu tư bất động sản.

Trong quý, thương vụ bán bộ phận lưu trữ dữ liệu Veritas của Symantec với giá 8 tỷ USD cho một côngxoocxium nhà đầu tư, trong đó có GIC của Singapore là lớn nhất.

Theo sát là vụ bán chi nhánh tại Hàn Quốc Homeplus của siêu thị Tesco với giá 6,4 tỷ USD cho một côngxoocxium trong đó có Temasek Holdings của Singapore.

Bất động sản vẫn là lựa chọn đầu tư được các quỹ ưa chuộng, với Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy mua cổ phần trong trụ sở của Airbnb ở San Francisco, trong khi tập đoàn khách sạn Katara Hospitality của Qatar thâu tóm khách sạn Westin Excelsior ở Rome.

Các quỹ đầu tư quốc gia vẫn tích cực mua tài sản dù có dự đoán giá hàng hóa giảm khiến các quỹ này lùi bước trong hoạt động thâu tóm ở nước ngoài. Tính tới thời điểm này của năm nay, mức chi vẫn bằng với cùng kỳ năm ngoái, vào khoảng 43,4 tỷ USD.

Các nước xuất khẩu dầu mỏ có xu hướng sử dụng dự trữ ngoại tệ để đắp vào phần thiếu hụt trong ngân sách, thay vì rút từ các quỹ đầu tư quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục