Các tập đoàn hàng đầu Pháp quan tâm tới Việt Nam

Đại diện các tập đoàn hàng đầu Pháp đã quan tâm, tham dự hội thảo giới thiệu về thu hút đầu tư vào Việt Nam ở Paris.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư tại Việt Nam có chủ đề "Việt Nam, đối tác chiến lược mới của Pháp tại châu Á" đã được tổ chức ngày 5/11 tại Paris (Pháp).

Hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và trường Đại học Quản trị và Kinh doanh ESSEC (ESSEC Business School), một trường thuộc hệ thống trường lớn có uy tín ở thủ đô Paris, có thứ hạng cao trên thế giới, đồng tổ chức.

Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu lãnh đạo và chuyên gia làm việc tại các ngân hàng, tập đoàn, doanh nghiệp trong đó có các tập đoàn và công ty lớn như Total, Technip (dầu khí), Société Générale (ngân hàng), Freyssinet (Xây dựng), Carrefour (phân phối bán lẻ) Avera (tư vấn đầu tư)…

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Philippe Pasdelou, Chủ tịch trường đại học Quản trị và Kinh doanh ESSEC đã nêu bật những thế mạnh của Việt Nam như nền kinh tế thực sự cất cánh từ những năm 2000 với sự tăng trưởng liên tục trong nhiều năm, ảnh hưởng và vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không ngừng tăng lên, môi trường chính trị ổn định.

Ông Pasdelou cũng nhấn mạnh Pháp là nhà tài trợ châu Âu lớn thứ hai về viện trợ phát triển cho Việt Nam, điều đó thể hiện việc Pháp theo đuổi chính sách tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác với Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã điểm lại quá trình phát triển của Việt Nam kể từ khi bắt đầu sự nghiệp Đổi Mới năm 1986, sự hội nhập toàn diện của Việt Nam với quốc tế trên phương diện quan hệ song phương cũng như đa phương, việc triển khai thành công các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng hấp dẫn.

Trên thực tế, từ năm 1987 đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 10.800 dự án với tổng số tiền đầu tư là 211 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước hấp dẫn về đầu tư đứng thứ ba tại châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Về quan hệ hợp tác Việt-Pháp trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, Đại sứ cho biết: "Với tổng giá trị kim ngạch trao đổi hai chiều là 3,2 tỷ USD vào năm 2012 và khoảng 1,6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2013, Pháp nằm trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu sau Đức và Anh, và trở thành một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Pháp cũng đã đầu tư 3,1 tỷ USD vào Việt Nam thông qua 375 dự án."

Theo Đại sứ, trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước đang đứng trước cơ hội lớn do quan hệ truyền thống lâu đời và đặc biệt là trong khuôn khổ quan hệ hợp tác chiến lược được xác định từ chuyến thăm chính thức Pháp vào tháng Chín vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bà Nguyễn Hồng Lê, tham tán về đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng đã giới thiệu các chính sách khuyến khích đầu tư cũng như các ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài như thủ tục thông thoáng, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, chi phí đầu tư thấp do được ưu đãi về thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, nguồn nhân lực trẻ có tay nghề cao.

Về phần mình, ông Nguyễn Cảnh Cường, tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thuyết trình về những kết quả đáng khích lệ của Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Ông Cường nói: "Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, xuất khẩu càphê, cao su, hạt điều, hạt tiêu cũng đứng ở thứ hạng cao. May mặc, giày da và thủy hải sản cũng là những thế mạnh của Việt Nam. Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may, sắt thép, hóa chất, ôtô, dầu khí."

Theo ông Cường, với thế mạnh của mình, hai nền kinh tế Việt Nam và Pháp có thể bổ sung và hỗ trợ nhau trong việc tăng cường các trao đổi mậu dịch song phương.

Các doanh nhân, đại diện các tập đoàn công ty tham gia hội thảo đã yêu cầu các diễn giả làm rõ các chính sách ưu đãi và các lĩnh vực ưu tiên được xác định tại các văn bản pháp lý đồng thời đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề cụ thể trong đầu tư tại Việt Nam như các thuận lợi, khó khăn, các giải quyết các bất cập trong các thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép, đăng ký tài sản, chính sách bảo vệ nhà đầu tư…

Một số doanh nhân đã đầu tư vào Việt Nam đã chia sẻ những thông tin và hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam cũng như các kinh nghiệm nhằm đảm bảo triển khai dự án thành công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục