Các thí sinh thi đại học vượt môn cuối nhẹ nhàng

Kết thúc môn thi cuối, thí sinh khá thoải mái vì làm bài tương đối ổn. Đề thi được đánh giá không khó, tuy hơi dài.
Sáng nay, 10/7, các thí sinh dự thi đại học đợt 2 đã hoàn tất bài thi môn cuối cùng. Tại các điểm thi, thí sinh ra về khá thoải mái vì làm bài thi tương đối ổn.

Các thí sinh có chung nhận định, đề các môn Tiếng Anh (khối D), Địa (khối C) và Hóa (khối B) không quá khó, tuy nhiên lại hơi dài, đòi hỏi sự tập trung cao độ thì mới có thể hoàn thành tốt bài thi.

Đề Hóa không khó với sĩ tử khối B

Những thí sinh dự thi khối B đã có một buổi sáng khá thoải mái vì đề thi môn Hóa học được cho là khá vừa sức, bám sát chương trình sách giáo khoa và không có nhiều câu bẫy hay đánh đố thí sinh.

Vui vẻ rời điểm thi trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thanh Bình (Phú Thọ) nhận định, đề thi Hóa học năm nay khá vừa tầm với em. 50 câu trắc nghiệm Bình đều hoàn thành cả. Tuy nhiên, Bình phỏng đoán, chỉ 60-70% trong số đó là em chắc chắn câu trả lời. Số còn lại, em chỉ mang máng đúng sai.

Theo Bình, đề thi Hóa học có sự phân loại thí sinh khá cao. Ngoài câu bài tập, nhiều câu hỏi lý thuyết đòi hỏi thí sinh không chỉ “học vẹt” là có điểm mà cần có sự suy luận thì mới có đáp án đúng.

“Hai môn trước em đã làm khá tốt rồi, chỉ còn môn cuối này thôi, em mong mình được 7 điểm,” Bình chia sẻ.

Cùng tâm trạng này, em Nguyễn Minh Chiến (Thanh Hóa) thở phào vì hoàn thành bài thi khá tốt sáng nay. Theo Chiến, với đề thi này, học lực khá hoàn toàn có thể hoàn thành 70% đề thi bởi phần lớn câu hỏi đều nằm trong chương trình đã học. Tất nhiên, nhiều câu đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu hơn về bản chất để có đáp án đúng.

Tuy nhiên, Chiến cũng tiết lộ, với hình thức trắc nghiệm, có một vài câu em không thực sự nhớ lý thuyết nhưng nhờ những gợi ý trong bài mà thí sinh có thể luận ra đáp án khả quan.

“Em nghĩ mình làm được 70-80%. Thêm hai môn trước nữa. Có lẽ cũng có hy vọng đỗ,” Chiến cười nói.

Vui vẻ vì vượt qua môn cuối khá nhẹ nhàng cũng là tâm trạng của thí sinh Trần Khánh Linh khi bước ra khỏi điểm thi của Đại học Y Thái Bình. Linh cho biết, em ôn chính khối A nên đề thi môn Hóa không phải là một thách đố nặng nề. Theo Linh, các bạn trong phòng em cũng làm bài khá tốt và đa số là dân khối A "lấn sân" khối B.

"Em thích Đại học Mỏ và đã thi khối A vào trường này, nhưng bố mẹ và anh chị lại không muốn em theo học vì sợ vất vả. Nếu đỗ cả hai trường, em sẽ cân nhắc thêm," Linh phấn khởi nói.

Môn Anh văn hơi dài

Vừa rời khỏi  điểm thi trường trung học phổ thông Cầu Giấy, em Nguyễn Quỳnh Nga (Hải Dương) hồ hởi cho hay: “Đề tiếng Anh năm nay theo em không khó như các môn trước đó. So với năm ngoái cũng ‘dễ thở’ hơn nên em làm bài khá tốt. Hy vọng đây sẽ là môn gỡ điểm cho cả kỳ thi.”

Nhận định về cấu trúc đề thi, em Trần Văn Thưởng (Tương Dương, Nghệ An) tỏ ra khá tự tin. Thưởng cho rằng, cấu trúc đề năm nay không có gì thay đổi so với các năm trước nên thí sinh khá tự tin khi làm bài. Mặc dù vậy, Thưởng cũng khẳng định, đề tiếng anh khối D hơi dài.

“Em phải tập trung cao độ thì mới có thể hoàn thành bài thi trong thời gian vỏn vẹn 90 phút,” Thưởng thành thật.

Câu được đánh giá là gây “đau đầu” nhất cho thí sinh là câu viết bài luận. Em Trần Thị Thanh (Nam Sách, Hải Dương) tỏ ra lo lắng: “Câu luận em hơi băn khoăn, lại đổ nhiều thời gian vào nên không kịp xem lại các phần khác.”

Hầu hết các thí sinh rời khỏi điểm thi với tâm trạng khá thoải mái. Tuy nhiên, cũng không ít người lại tỏ ra không mấy lạc quan. Em Lưu Thanh Vân (trung học phổ thông Việt Yên 1, Bắc Giang) lắc đầu: “Môn tiếng Anh em làm không được như ý. Trước đó, do Toán tương đối khó nên em cũng không hài lòng lắm.”

Mặc dù vậy, Vân cũng hy vọng, điểm chuẩn năm nay của trường Đại học Mở sẽ không quá cao để em vẫn có thể đỗ.

Đề Địa không đánh đố thí sinh

Đến 10 giờ 15 phút, những thí sinh tham gia môn thi cuối cùng của đợt thi Đại học năm nay cũng đã rời các điểm thi. Nhận định về môn Địa, các em đều tỏ ra khá hào hứng vì kiến thức bám rất sát chương trình và không đánh đố.

Thí sinh Hoàng Thị Thu (Nga Sơn, Thanh Hóa) cho hay: “Đề Địa năm nay các câu hỏi đều rất cơ bản, bám sát chương trình. Vì vậy, em làm khá tốt. Hy vọng, em sẽ đạt từ 7 đến 8 điểm ở môn cuối này.”

Cùng chung tâm trạng với Thu, Nguyễn Hoàng Tuấn, thí sinh tại điểm trường trung học phổ thông Trần Phú cũng rất tự tin với bài của mình. Tuấn khẳng định, ngoài câu vẽ biểu đồ buộc thí sinh phải tự đưa ra hình thức biểu đồ hợp lý nhất, các câu khác đều nằm trong phần em đã được học. Vì vậy, để đạt điểm cao môn Địa không phải là điều quá khó.

Phần được hầu hết các thí sinh tỏ ra hào hứng nhất là các câu hỏi liên quan đến biển Đông (Câu 1 và câu IVB). Đây là những câu hỏi đòi hỏi sự phân tích sâu cũng như bám sát được vấn đề thời sự đang được quan tâm.

“Em rất thích các câu này vì đây cũng sẽ là những câu phân loại được thí sinh,” em Lê Văn Thắng (Thái Bình) cho hay.

Mặc dù vậy, các thí sinh cũng cho rằng, đề Địa khá dài, thí sinh phải nắm chắc các kiến thức đã được học, cũng như phải vận dụng linh hoạt thì mới có thể đạt được điểm như ý.

Như vậy, các thí sinh đã hoàn thành xong nhiệm vụ "vượt vũ môn" của mình trong đợt thi đại học thứ 2. Nhìn chung, các môn thi lần này được thí sinh đánh giá là nhẹ nhàng hơn đề thi các môn của đợt 1. Tuy nhiên, do đây là kỳ thi có tính sàng lọc nên việc dễ hay khó không quyết định kết quả vì đề dễ, nhiều thí sinh làm được, thì điểm chuẩn sẽ cao lên và ngược lại, đề khó, điểm chuẩn sẽ giảm.

Ngày 15 và 16/7 tới đây, các thí sinh đăng ký thi cao đẳng sẽ dự kỳ thi cuối cùng của mùa tuyển sinh năm nay./.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục