Các tiêu chí, bí kíp để chọn khóa học Hè phù hợp cho con

Trước sự phong phú của thị trường học hè, thạc sỹ Lê Thị Lan Anh, Phó viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt đã chia sẻ những bí kíp để phụ huynh chọn được khóa học phù hợp cho con.
Các tiêu chí, bí kíp để chọn khóa học Hè phù hợp cho con ảnh 1Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh hướng dẫn các học trò (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trước vô số những khóa học Hè phong phú từ nội dung, quy mô, học phí, để chọn được một khóa học phù hợp cho con là điều không dễ dàng.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Lan Anh, Viện phó Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt IEDV về vấn đề này.

- Thưa bà, bà đánh giá thế nào về các chương trình học Hè hiện nay?

Bà Lê Thị Lan Anh: Thị trường học Hè hiện nay có thể nói là thượng vàng hạ cám. Có đơn vị làm tốt nhưng họ truyền thông không mạnh, giống như bông lúa mẩy thì trĩu xuống, bông lúa lép thì ngẩng cao, không phải các khóa học được nhiều người biết đến đã là tốt. Có những khóa học quy mô nhỏ nhưng tổ chức tốt thì vẫn đạt chất lượng.

Có người nhầm lẫn học kỹ năng sống với các buổi truyền lửa chỉ vài tiếng. Những buổi truyền lửa có thể giúp các em thay đổi ngay nhưng chỉ được vài ngày rồi đâu lại vào đấy, có thể bị ai đó dè bỉu một câu là lại không tự tin. Đó là vì giáo viên chưa chạm đến tầng sâu trong suy nghĩ, cảm xúc của học trò.

Những khóa huấn luyện dài ngày có thể làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của trẻ, nhưng nếu thiết kế chương trình tốt sẽ giúp em trưởng thành hơn rất nhiều. Đặc biệt những khóa học từ thực tiễn cuộc sống, trải nghiệm từ thực tiễn cuộc sống. 

Các khóa cũng phân ra khóa ít tiền và nhiều tiền. Không ai tổ chức các khoá học mà chịu lỗ, vì người ta đi làm phải có công, phải nuôi gia đình. Những người làm đào tạo cũng có giá của họ. Vì thế, phụ huynh đừng tham rẻ. Những khoá rẻ tôi tin không thể có chất lượng. Tất nhiên, không phải cứ những khóa học đắt đỏ đã là tốt.

- Như vậy, giá cả cũng chỉ là một cơ sở để lựa chọn. Theo bà, phụ huynh làm cách nào để chọn được khóa học Hè tốt cho con?

Bà Lê Thị Lan Anh: Đào tạo ngày nay cũng là một sản phẩm dựa trên cơ chế cung cầu, vận hành theo quy luật thị trường, mà đã là theo quy luật thì chắc chắn có sự sàng lọc tốt, xấu. Trong đó người tiêu dùng – phụ huynh thông thái chính là người biết phải lựa chọn khóa học nào cho con. Nên nhớ, học Hè cần bổ sung cái con thiếu, con yếu chứ không phải cho con học cái cha mẹ cần. 

Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ các thông tin về nội dung khóa học, uy tín của đơn vị tổ chức trước khi quyết định. 

Thứ nhất là đơn vị đó phải chuyên nghiệp. 

Thứ hai là phải hội tụ các chuyên gia giỏi, những người thực sự làm công tác nghiên cứu, có phương pháp đào tạo, huấn luyện, có thâm niên. Các phân mảng chương trình phải thực sự là các chuyên gia giỏi trong nghề giảng dạy vì trong đào tạo, các huấn luyện viên là yếu tố quyết định thành công chứ không chỉ cơ sở vật chất hoành tráng hay chỉ huấn luyện học sinh trong doanh trại…

Thứ ba là môi trường phải đảm bảo an toàn cho con, cả trong nội dung học, thiết kế chương trình, đội ngũ hỗ trợ. 

Những đơn vị làm tốt sẽ không dừng lại ở một điểm mà sẽ nhân rộng. Nhưng cần lưu ý là họ sẽ không nhân rộng ồ ạt, vì như thế sẽ phá vỡ chất lượng.

Phụ huynh có thể tìm hiểu qua các kênh thông tin khác nhau để biết nên gửi con ở đâu. Các đơn vị đã tổ chức nhiều năm thì phải hỏi họ sau 3 tháng, 1 năm con có duy trì được phong độ đó không hay mai một đi.

Một điểm phụ huynh cần lưu ý là học kỹ năng sống thì phải đi liền với trải nghiệm thực tế, nếu không thì vẫn chỉ là nuôi gà công nghiệp trong một môi trường khác.

Cá nhân tôi đánh giá cao những khóa học từ cuộc sống: ví dụ đi xe bus an toàn như thế nào thì phải cho học sinh đi xe bus, ứng phó khi thang máy kẹt ra sao thì con phải biết tìm lối thoát hiểm thực tế… Học về cách xử lý khi bị lạc, cách tìm đường từ bản đồ thì phải đi ra đường chứ không phải chỉ ngồi trong phòng.

Các tiêu chí, bí kíp để chọn khóa học Hè phù hợp cho con ảnh 2Học sinh cần được trải nghiệm thực tế, học về giao thông là phải ra đường (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Dạy trẻ về giá trị của tình yêu thương phải tách trẻ khỏi môi trường gia đình, đưa trẻ đến trại trẻ mồ côi để trẻ thấy những bạn nhỏ không được cha mẹ ở bên vỗ về, khi đó trẻ mới biết quý trọng những gì mình có, quý trọng tình cảm ông bà, cha mẹ dành cho mình… Học làm MC là trẻ phải được tự lên kịch bản, tự thể hiện trong một sự kiện cụ thể…

Dạy kỹ năng mà chỉ trong bốn bức tường, không có trải nghiệm thực tế thì đó chỉ là những cảm nhận hời hợt, khiên cưỡng, không lột tả hết cung bậc cảm xúc lẽ ra trẻ phải chạm đến. Và vì thế không tác động sâu sắc đến tâm hồn, nhận thức của trẻ, không thể thay đổi căn bản suy nghĩ, hành vi của trẻ.

- Không chỉ nhiều về đơn vị tổ chức, nội dung các khóa học cũng rất phong phú, từ học kỹ năng sống, trại hè quân đội, thể thao… Kỹ năng sống cũng rất nhiều nội dung như học làm MC, học thuyết trình, học tự tin, học giao tiếp… Giữa một rừng các khóa học đó, theo chị, phụ huynh nên chọn cho con những nội dung nào là phù hợp?

Bà Lê Thị Lan Anh: Chọn nội dung học cũng tùy thuộc vào từng trẻ, tùy tính cách và độ tuổi.

Tuy nhiên, các nội dung cha mẹ cần trang bị cho con trước tiên là các khóa học rèn sự tự lập, tự tin. Khi có thể tự lập, trẻ sẽ tự tin để bước tiếp trong các môi trường khác. 

Tiếp đó, phụ huynh nên cho con học các khóa giúp trẻ có tư duy phản biện. Phải có sự tự tin vào bản thân, trẻ mới có thể mạnh dạn phản biện. Khi mạnh dạn phản biện, trẻ sẽ chủ động sàng lọc tri thức thay vì tiếp thu thụ động và có chính kiến riêng của mình trước các vấn đề trong cuộc sống.

Cao hơn là các khóa học dạy về kỹ năng sinh tồn giúp trẻ thích nghi và linh hoạt trong nhiều hoàn cảnh sống khác nhau. 

Tất nhiên, đôi khi không hoàn toàn có sự tách biệt tuyệt đối giữa các mảng kỹ năng nhưng đó là những bậc thang cao dần trong hệ thống những kỹ năng sống mà phụ huynh cần trang bị cho trẻ.

- Xin cảm ơn bà!

Vài nét về thạc sỹ Lê Thị Lan Anh:

- Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh là Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em. Bà là một trong những chuyên gia đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về chức năng xuất chúng của não phải, phương pháp 8 loại hình thông minh và giáo dục sớm. 

- Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh có gần 10 năm làm công tác nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, phát triển trí tuệ trẻ em. Bà đã từng tham gia các đề tài, dự án cấp quốc gia, cấp bộ, đại sứ quán Thụy Sĩ về trẻ em, bình đẳng giới, quyền con người, văn hóa biển, văn hóa Phật giáo…

- Hiện bà Lê Thị Lan Anh đang là chủ nhiệm dự án Nghiên cứu và Phát triển nhân tài Việt; nghiên cứu các chương trình giáo dục sớm, phát triển trí thông minh, sự tự tin và kỹ năng sống cho trẻ em.

- Bà tham gia các khóa đào tạo chương trình kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng nuôi dạy trẻ thành tài cho các bậc phụ huynh, đào tạo phương pháp giảng dạy hiện đại cho giáo viên./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục