Các tỉnh Bắc Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả trong cơn mưa lũ

Trong những ngày qua, các tỉnh Bắc Bộ đang khẩn trương thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Các tỉnh Bắc Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả trong cơn mưa lũ ảnh 1Khu vực trung tâm thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh bị nước lũ dồn về làm ngập sâu, sáng 2/8. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các địa phương, trong ngày và đêm 3/8, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to trên diện rộng.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi, ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối trong những ngày qua, các tỉnh Bắc Bộ đang khẩn trương thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tại Điện Biên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức đánh giá thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ. Thống kê chưa đầy đủ, ước tính thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên là gần 174 tỷ đồng. Các trận mưa lũ trong 4 ngày (31/7-3/8) vừa qua đã làm 4 người bị thương, trên 230 ngôi nhà dân bị thiệt hại, trong đó có 2 ngôi nhà bị đổ và cuốn trôi hoàn toàn, 80 ngôi nhà bị ngập; nhiều tài sản của người dân như tivi, xe máy, tủ lạnh, gia súc, gia cầm… bị cuốn trôi.

Tổng diện tích lúa mùa bị bồi lấp, thiệt hại 450ha, gần 900ha lúa nương và hoa màu bị thiệt hại từ 30%-70%, gần 100ha ao cá bị thiệt hại từ 30% đến trên 70%... Thống kê chưa đầy đủ đã có 169 phai thủy lợi bị cuốn trôi hoàn toàn, hơn 10 km mương bị hư hỏng; 77 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng nặng; 10 cột điện cao thế bị đổ và bồi lấp… Các tuyến đường quốc lộ, liên huyện và liên xã đều bị sạt lở, trong đó riêng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã bị sụt, sạt với khối lượng trên 175.000m3 và 18 điểm sạt lở lớn. Đó là chưa tính điểm sụt sạt trên tuyến Quốc lộ 12 dài 1,5km, mất toàn bộ đường hiện vẫn chưa xác định được giá trị thiệt hại do khối lượng quá lớn. Vị trí này trong nhiều ngày tới, chưa thể khắc phục được, dự kiến sẽ phải mở 1 tuyến đường công vụ khác mất từ 5-7 ngày mới có thể thông tuyến trên đoạn đường này.

Tại Bắc Giang, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã triển khai phương án phòng chống úng ngập, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn hồ chứa, sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, chủ động ứng phó với các đợt mưa lớn và phát lệnh báo động trên các triền sông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thành lập 6 đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh và công tác bơm tiêu chống úng ngập của các công ty khai thác công trình thủy lợi. Toàn tỉnh đã huy động 340 tổ máy của các trạm bơm để bơm tiêu chống úng ngập.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Cầu Sơn đã cắt kênh Yên Lại để chống tràn. Tỉnh cũng đang triển khai xử lý các sự cố về đê điều gồm sạt lở đoạn K5+800 - K6+00 đê hữu Thương thuộc xã Hợp Đức, huyện Tân Yên; sự cố sạt lở đoạn K44+825 - K45+017 đê tả Cầu thuộc địa bàn xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên...

Tuy nhiên, mưa lũ những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại về tài sản và người trên địa bàn tỉnh. Tại xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, ông Ngô Đức Vĩnh sinh năm 1946 khi đi qua ngầm đã bị nước cuốn chết.

Tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Việt Yên có 4 ngôi nhà cấp 4 bị đổ. Tại các huyện Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa có hai trường tiểu học bị sập mái nhà và đổ tường rào. 134 hộ dân ở các huyện Yên Thế, Sơn Động đã phải di dời. Toàn tỉnh có trên 6.242 ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập úng, trong đó trên 2.770 ha lúa ngập trắng. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh bị sạt mái taluy âm và taluy dương, sập cống ngang...

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết, đến ngày 3/8, toàn tỉnh đã có 30 tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị sạt lở với khối lượng khoảng 120.000m3; xói lở 20.000m3 mặt đường; bị ngập nước gây ách tắc cục bộ gần 20 vị trí. Trong đó có những điểm sạt lở nghiêm trọng như trên tuyến quốc lộ 279 tại km 158-km161 khu vực Đèo Bén, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng; quốc lộ 1A tại km 25+200.

Tại các điểm sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng tới an toàn giao thông, các lực lượng chức năng của tỉnh đã cắt cử cán bộ thường xuyên trực 24/24 giờ để cảnh báo, phân luồng đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua đây.

Tại Thái Nguyên, ước tính ban đầu tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 20 tỷ đồng. Đến trưa 3/8, toàn tỉnh có 991,2 ha lúa, hoa màu bị ngập sâu trong nước, tập trung ở các huyện Đại Từ, Phú Bình, Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai, thị xã Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên.

Huyện Đại Từ là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nhất với hơn 200m đường giao thông tại xã Minh Tiến và 100m bờ sông của xã Mỹ Yên sạt lở, 1 chiếc cầu tạm tại xã Vạn Thọ bị cuốn trôi, đường tràn liên hợp thuộc xã La Bằng bị sạt, khu vực bãi thải quặng mỏ sắt của Công ty Chiến Công thuộc xã Ký Phú bị sạt làm đổ 10 m tường rào trạm y tế xã…

Tại huyện Võ Nhai và thành phố Thái Nguyên, nhiều tuyến đường liên xã, liên xóm và bãi đổ thải cũng bị sạt lở với tổng khối lượng khoảng 270 m3. Mưa lớn cũng làm 4 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, trong đó công trình thủy lợi Vai Gò Thờ, kênh đập Vai Làng, đập Cửa Chùa thuộc xã Bình Thuận, huyện Đại Từ bị vỡ, công trình Vai Chuông ở xã Phú Xuyên huyện Đại Từ bị vỡ và bị nước cuốn trôi…

Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, do lượng mưa lớn, kéo dài đã gây úng cục bộ cho khoảng 5.000 ha lúa, rau màu, diện tích nuôi trồng thủy sản; trong đó một số huyện có diện tích ngập úng lớn như Kinh Môn ngập úng trên 1.300ha, Gia Lộc ngập úng trên 1.100ha, Kim Thành ngập úng trên 1.700ha... Khoảng hơn 100 lồng nuôi cá trên sông Thái Bình thuộc địa bàn huyện Nam Sách đã bị trôi dạt khiến toàn bộ số cá nuôi bị sổng ra ngoài, gây thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Để sớm khắc phục úng lụt, ổn định sản xuất, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương, quyết liệt bơm tiêu úng với tổng số máy bơm được huy động là 451 máy.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương khuyến cáo nông dân cần tập trung vệ sinh đồng ruộng, xử lý rong rêu, phòng trừ sâu bệnh; dặm tỉa nhằm đảm bảo mật độ, tăng cường bón phân qua lá, bón các chế phẩm vi sinh để kích thích cây ra rễ mới, phục hồi sinh trưởng. Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản thì khẩn trương tập trung tôn cao bờ, quây lưới giữ cá và thau rửa ao hồ sau úng...

Tại Quảng Ninh, trận mưa lũ lớn nhất trong vòng 40 năm ở Quảng Ninh từ ngày 25/7 kéo dài đến tận ngày 3/8 mà chưa có dấu hiệu ngừng, đã khiến Quảng Ninh chìm trong biển nước và bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Con số thiệt hại về người đến nay đã là 17 người bị chết, hàng chục người bị thương. Tổng số thiệt hại do mưa lũ gây nên tính đến 3/8 ở Quảng Ninh ước đã là hơn 2.200 tỷ đồng (trong đó ngành than gần 1.200 tỷ đồng).

Về tài sản, hiện toàn tỉnh có 104 căn nhà bị đổ hoàn toàn, 8.934 nhà bị ngập lụt... Tỉnh cũng đã tổ chức di dời 2.142 hộ dân đến nơi an toàn. Mưa lũ cũng đã khiến 4.285m tường, kè trên địa bàn tỉnh bị sập đổ; trên 3.860 ha lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, hơn 2.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi…

Đến 8 giờ ngày 3/8, các tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cơ bản đã đảm bảo giao thông thông suốt; khối lượng đất cát trôi tràn qua đường trong các đợt mưa đều được các ngành, địa phương khắc phục kịp thời để thông xe. Hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống điện trên địa bàn vẫn đảm bảo. Các công trình hồ đập, đê điều vẫn đảm bảo an toàn với mức nước dâng bình thường; một số hồ đã tràn, một vài hồ bị sự cố hoặc nước tràn qua nhưng đã được khắc phục ngay...

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, mưa lũ từ ngày 1/8 đến 19 giờ ngày 2/8 đã làm 6 người chết (Lai Châu 2 người, Lạng Sơn 2 người, Sơn La 1 người, Bắc Giang 1 người); 6 người bị thương (Ðiện Biên 4 người, Lào Cai 2 người).

Mưa lũ cũng làm hơn 3.500 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập nước; 8776,2 ha lúa và 852 ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; gần 11.600 gia súc, gia cầm bị chết; 10.871m kênh mương bị thiệt hại; 88 công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng; đặc biệt là đoạn từ K56+900-K56+930 đê hữu Cầu thuộc địa phận xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, xảy ra sự cố sạt lở mái đê phía sông, vị trí sạt lở sát mép mặt đê, chiều sâu cung sạt từ 60-100cm, chiều dài cung sạt khoảng 30m.

Về giao thông có nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng với tổng khối lượng lên tới 138.315 m3, 12 cầu tạm bị cuốn trôi.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục