Các tỉnh miền núi tập trung ứng phó với rét đậm, rét hại

Các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung ứng phó với rét đậm, rét hại

Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, các tỉnh miền núi phía Bắc đang tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó để đảm bảo sức khỏe cho người dân và bảo vệ vật nuôi, cây trồng.
Các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung ứng phó với rét đậm, rét hại ảnh 1Nông dân tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) giữ ấm cho trâu, bò trong những ngày mưa tuyết, giá buốt. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại, các tỉnh miền núi phía Bắc đang tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó để đảm bảo sức khỏe cho người dân và bảo vệ vật nuôi, cây trồng.

Tại Lào Cai, ông Nguyễn Văn Đông, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, trước tình hình thời tiết giá rét khắc nghiệt, 100% học sinh tại hai huyện Sa Pa và Si Ma Cai đã phải nghỉ học tránh rét. Đối với những huyện, thành phố còn lại, toàn bộ học sinh khối mầm non và tiểu học đều được nghỉ.

Trong ngày 25/1, huyện Sa Pa đã cho gần 17.800 học sinh ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện nghỉ học tránh rét. Tuy học sinh được nghỉ học, nhưng các thầy, cô giáo vẫn ở lại trường để sinh hoạt chuyên môn, theo dõi diễn biến thời tiết và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để huy động học sinh trở lại lớp, đảm bảo sĩ số khi thời tiết ấm lên.

Tại huyện Si Ma Cai có khoảng 11.000 học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở nghỉ học để đảm bảo sức khỏe trong những ngày lạnh giá. Trong thời gian học sinh nghỉ học, giáo viên các trường vừa sinh hoạt chuyên môn, vừa che chắn lại các phòng học, phòng bán trú, phòng ăn, bếp ăn cho học sinh để khắc phục thời tiết giá lạnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã cung ứng 900 chiếc chăn dày ấm cho các trường học bán trú và nội trú vùng cao như Bát Xát, Si Ma Cai, Sa Pa. Các trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho học sinh như thông báo đến phụ huynh mặc quần áo ấm, quàng khăn, đi giày, ủng, găng tay cho con khi đến trường; các lớp học hạn chế tổ chức hoạt động tập thể ngoài trời; đảm bảo đủ chăn ấm cho học sinh bán trú; chú trọng bữa ăn cho học sinh bán trú có cơm, canh nóng, thức ăn đảm bảo dinh dưỡng...

Để chủ động đối phó với đợt rét đậm, rét hại, đảm bảo sức khỏe nhân dân, phòng chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về cây trồng, vật nuôi tại các vùng rét sâu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ yêu cầu Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, bố trí đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, phương tiện, chăn đệm, áo ấm cho người bệnh; tăng cường cán bộ trực 24/24 giờ; chủ động hướng dẫn phòng chống rét cho người dân, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trong mùa Đông Xuân.

Sở Y tế cũng cảnh báo khi sưởi ấm, người dân cần kiểm soát việc đốt than, củi và hạn chế việc đốt than tổ ong nhằm tránh tình trạng ngộ độc khí CO2… Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chủ động liên lạc với phụ huynh học sinh để bố trí học sinh nghỉ học và đảm bảo sức khỏe cho học sinh theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra xuống địa phương để nắm bắt tình hình, kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn nông dân phòng chống rét cho trâu bò, che mạ dưới ruộng, khuyến cáo người dân không cấy lúa trong đợt rét đậm.

Ngày 25/1, cường độ của đợt rét đậm, rét hại kéo dài vẫn chưa có chiều hướng giảm trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 12 con trâu bò bị chết rét. Chính quyền và nhân dân địa phương đang triển khai các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ đàn gia súc và cây trồng.

Tại xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo), một trong những địa phương có vị trí địa lý cao nhất của của tỉnh Điện Biên (trên 1.500m so với mực nước biển), gần đỉnh đèo Pha Đin, trên khắp các cánh rừng của địa phương này đã phủ trắng băng tuyết lạnh lẽo từ hai ngày qua. Nhiều thân cây lớn trong rừng không chịu nổi sức nặng của băng tuyết đang đổ gẫy.

Trong các bản trên núi cao này, người dân đã phải đốt lửa trong nhà để sưởi ấm cho người và gia súc. Nhiệt độ ngoài trời ở khu vực này vẫn dưới 0 độ. Ông Mùa A Dề, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tỏa Tình cho biết trong hai ngày qua, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại, tối 24/1 đã có tuyết rơi, đến sáng 25/1 mới ngừng, chỉ còn băng giá.

Ngày 24/1, trên địa bàn xã đã có năm con trâu, bò bị chết rét, đây cũng là địa bàn có số trâu bò bị chết nhiều nhất tỉnh cho đến thời điểm này. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã chỉ đạo người dân hạn chế ra ngoài trời, tuyệt đối không thả gia súc ra ngoài mà phải để trong chuồng kín, dự trữ thức ăn đầy đủ và có biện pháp sưởi ấm cho vật nuôi. Theo ông Dề, từ 20 năm nay mới có một đợt rét đậm như thế này.

Phòng giáo dục các địa phương thuộc tỉnh Điện Biên đã có văn bản chỉ đạo Ban giám hiệu các trường cho học sinh tiểu học và mầm non nghỉ học nếu nhiệt độ dưới 10 độ C, học sinh Trung học cơ sở nghỉ học nếu dưới 7 độ C. Bởi vậy, hầu hết tất cả các trường mầm non và tiểu học đã phải nghỉ học từ sáng 25/1. Một số địa bàn ở vùng núi cao, cấp trung học cơ sở cũng đã cho học sinh nghỉ học.

Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tỏa Tình cho biết từ trước đến giờ, chưa bao giờ bà chứng kiến đợt giá rét như vậy. Trong hai ngày qua, băng giá đã phủ kín toàn bộ địa bàn xã. Bởi vậy, chính quyền xã đã chỉ đạo tất cả các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cho học sinh nghỉ học, bao giờ thời tiết ấm trở lại, các em sẽ trở lại trường.

Trên tuyến Quốc lộ 6, đoạn đi qua đỉnh đèo Pha Đin, từ sáng 25/1 băng giá đã phủ kín khu vực, khiến tuyến đường này trở nên trơn trượt. Các phương tiện cơ giới đi qua tuyến đường này đã bị ách tắc từ lúc 7 giờ sáng, kéo dài trên 1km. Đau xót hơn khi Trung tá Trần Văn Hinh, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông huyện Tuần Giáo (Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Điện Biên) đang làm nhiệm vụ phân luồng trên tuyến đường này đã bị tai nạn, hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.

Tại bản Nà Láo, xã Nà Tấu (huyện Điện Biên), bà con lại tổ chức việc bảo vệ đàn gia súc của mình khá tốt. Ông Lò Văn Dung, 52 tuổi cho biết cả bản đã được chính quyền hướng dẫn không được thả gia súc ra ngoài khi trời rét hại. Bởi vậy, mọi gia đình trong bản đều nhốt trâu bò trong chuồng đã che chắn cẩn thận, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cỏ và thức ăn tinh bột cho đàn gia súc của mình. Bởi vậy đến thời điểm này, chưa có thiệt hại nào xảy ra.

Trước tình trạng rét đậm, rét hại tiếp tục kéo dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh giữ trâu bò tại nhà, che chắn chuồng nuôi, đốt lửa sưởi ấm và tăng cường thức ăn thô xanh, kết hợp bổ sung thêm thức ăn tinh, cho vật nuôi uống nước muối ấm. Đối với diện tích lúa đã gieo cấy, duy trì mực nước trên mặt ruộng từ 2-3cm, không bón đạm cho lúa trong ngày trời rét, nếu lúa chết phải cấy lại hoặc dặm, chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm. Đối với diện tích chưa gieo cấy, phải theo dõi tình hình thời tiết và tuyệt đối không được gieo cấy nếu nhiệt độ dưới 15 độ C.

Hiện tại, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn tiếp tục có mưa và rét đậm, rét hại. Nhiệt độ trung bình tại khu vực vùng thấp duy trì từ 3-8 độ C, các vùng núi cao, nhiệt độ có nơi vẫn ở mức dưới 0 độ C.

Ngày 25/1, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, toàn tỉnh có trên 105.000 học sinh các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông phải nghỉ học do rét. Riêng hai huyện biên giới Sìn Hồ và Mường Tè, 100% học sinh khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở phải nghỉ học do rét đậm, rét hại.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đã có công văn yêu cầu các phòng giáo dục và các đơn vị trường trực thuộc theo dõi sát bản tin thời tiết, rà soát, kiểm tra, tu sửa cơ sở vật chất trường học, đảm bảo tránh gió lùa và chủ động chương trình dạy bù cho học sinh quay trở lại học khi hết rét...

Theo ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, thực trạng cơ sở vật chất trường lớp ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thiếu phòng ở, phòng học, nhà công vụ cho giáo viên. Điều này gây khó khăn cho ngành giáo dục địa phương trong công tác dạy học và nuôi dưỡng học sinh, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại.

Để chủ động phòng chống rét cho học sinh, từ đầu năm học, ngành giáo dục Lai Châu đã tổ chức biên chế năm học theo mùa vụ, thời tiết, phong tục tập quán và tùy từng vùng, thời tiết, các trường tính toán phù hợp, với mục tiêu an toàn nhất cho học sinh. Thời gian tới, ngành giáo dục Lai Châu tiếp tục vận động ba đủ cho các học sinh, ưu tiên đặc biệt là đủ mặc vào mùa đông...

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, đến 17 giờ 30 ngày 25/1, do thời tiết rét đậm rét hại, tỉnh Yên Bái đã có 248 con gia súc bị chết (181 con trâu, nghé; 61 con bò, bê; 2 con ngựa; 4 con dê). Trong đó, huyện Mù Cang Chải chết 108 con; Trạm Tấu 67 con; Lục Yên 7 con; Văn Chấn 62 con và thị xã Nghĩa Lộ 4 con.

Tại các xã khu vực vùng cao của huyện Mù Cang chải (Nậm Khắt, Phúng Luông, La Pán Tấn, Dế Su Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề) và huyện Trạm Tấu (Tà Xi láng, Sà Hồ, Bản Công, Làng Nhì) mưa tuyết cũng đã vùi lấp hầu hết diện tích hoa màu của nhân dân và vẫn còn hiện tượng đóng băng tại các bề mặt ruộng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các địa phương, chỉ đạo áp dụng các biện pháp kỹ thuật như che chắn, củng cố chuồng trại chống rét; tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, tiêu độc khử trùng vệ sinh môi trường chăn nuôi; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để dự trữ, chế biến làm thức ăn cho trâu, bò (rơm, rạ, cỏ khô...).

Sở cũng khuyến cáo người dân không sử dụng gia súc làm việc hoặc cày, kéo khi nền nhiệt độ ngoài trời giảm xuống dưới 12 độ C; không chăn thả gia súc ngoài đồi, bãi; bổ sung cho gia súc thức ăn tinh và cho uống nước ấm, tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi; đồng thời hướng dẫn nông dân tạm dừng ngâm, ủ, gieo mạ, cấy lúa.

Đối với mạ, 100% diện tích mạ đã che phủ nilon; chuẩn bị tro rơm rạ hoặc tro bếp bón bổ sung giữ ấm chân mạ. Đối với những diện tích lúa đã cấy cần đưa nước vào để giữ ấm, duy trì mực nước 2-3 cm, không được để khô ruộng. Đối với cây rau màu, không gieo trồng trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, đồng thời chuẩn bị tốt các khâu làm đất, giống, phân bón để khi thời tiết ấm lên thì tiến hành gieo trồng, đảm bảo kịp thời vụ.

Ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, cho biết để chủ động đối phó với rét đậm, rét hại, đảm bảo sức khỏe nhân dân, phòng chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về cây trồng, vật nuôi tại các vùng rét sâu, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, bố trí đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, phương tiện, chăn đệm, áo ấm cho người bệnh; tăng cường cán bộ trực đảm bảo thu dung người bệnh đến khám và điều trị; chủ động hướng dẫn phòng chống rét cho người dân, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học từ sáng 25/1. Bà Hà Thị Minh Lý - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, cho biết đã có 167 trường mầm non, 150 trường tiểu học, 36 trường trung học cơ sở , 2 trường Trung học phổ thông với hàng chục nghìn học sinh nghỉ học. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh bố trí cho học sinh nghỉ học và đảm bảo sức khỏe cho học sinh; các cơ sở giáo dục lên kế hoạch học bù, tránh học dồn, ép chương trình.

Sở Giao thông và Vận tải Yên Bái bố trí đội ứng trực tại đèo Khau Phạ - nơi đã xuất hiện băng tuyết dày đặc khiến giao thông có đoạn bị ách tắc và bố trí xe gạt băng tuyết. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra tình hình, kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn nông dân phòng chống rét cho trâu bò, che mạ dưới ruộng ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn. Đến ngày 25/1, tại Yên Bái đã có 29 con trâu, bò bị chết rét./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục