Các tỉnh nhận 35% nguồn thu Quỹ bảo trì đường bộ

Nguồn thu vào Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương sẽ được phân bổ 65% về Quỹ Trung ương và 35% còn lại sẽ chuyển về cho các địa phương.
Theo quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, thực hiện Nghị định của Chính phủ, 65% nguồn thu vào Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được gửi về Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và 35% còn lại sẽ chuyển về cho các địa phương.

Các công việc đang thực hiện và dự kiến sẽ thực hiện của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương trong Quý 1/2013 bao gồm phối hợp với Vụ Tài chính và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để tham mưu ban hành Thông báo về việc xóa bỏ hoặc chuyển đổi các Trạm thu phí đường bộ; tham mưu cho lãnh đạo Hội đồng Quản lý Quỹ gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về số liệu đường địa phương, số lượng phương tiện và mức độ khó khăn thu của từng địa phương để làm cơ sở tính toán cho việc phân khai 35% Quỹ bảo trì đường bộ trung ương.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để ban hành các văn bản hoạt động của Quỹ, đó là thông tư hướng dẫn thu quỹ bảo trì đường bộ và đang chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn việc thanh quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ.

Theo Bộ Tài chính, để tránh tình trạng phí chồng phí sẽ xóa bỏ 12 trạm thu nộp ngân sách, 5 trạm trả nợ, 4 trạm chuyển giao quyền thu phí và 2 trạm hỗ trợ dự án (BOT), còn lại 28 trạm BOT.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng đã yêu cầu sớm hoàn chỉnh các văn bản quy định hoạt động của Quỹ, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã ban hành.

Việc tổ chức thu phí phải được tiến hành theo đúng lộ trình, sau 6 tháng sẽ tổ chức sơ kết các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện việc thu phí, nếu có vấn đề gì phát sinh trong thực tiễn hoạt động sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, để đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân và doanh nghiệp vận tải, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu việc thực hiện bỏ trạm thu phí phải theo đúng quy định.

Đối với trạm thu phí bán thương quyền phải tiến hành đàm phán với nhà đầu tư, đồng thời công bố công khai, cụ thể các trạm thu phí nhà nước buộc phải dừng ngay, còn đối với các trạm phải trả nợ, bán quyền thu phí thì phải tính toán cụ thể số tiền phải trả, vì số tiền này do ngân sách nhà nước bù, để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định./.

Hồng Ninh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục