Các tỉnh, thành miền Trung sẵn sàng phòng chống bão số 3

Nhiều tỉnh, thành miền Trung gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng các phương án phòng chống bão số 3.
Các tỉnh, thành miền Trung sẵn sàng phòng chống bão số 3 ảnh 1Các tàu thuyền về neo đậu tránh trú bão số 3 tại Khu neo đậu tàu thuyền xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều tỉnh, thành miền Trung gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng các phương án phòng chống bão số 3.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng cho biết đến chiều 14/9, thành phố còn 58 phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển với 508 lao động.

Tại âu thuyền Thọ Quang đã có 1.217 phương tiện về neo đậu; khu vực Mân Thái có 326 phương tiện về neo đậu; các ghe, thúng máy tại âu thuyền cá Thọ Quang đã được kéo lên bờ an toàn.

Lực lượng Biên phòng Cửa khẩu cảng Tiên Sa phối hợp với Cảng vụ Đà Nẵng thông báo, sắp xếp vị trí neo đậu tại cảng Tiên Sa; điều động 1 xuồng lai dắt 1 tàu du lịch mắc cạn tại sông Hàn.

Đến 16 giờ ngày 14/9, bão chưa đổ bộ vào Đà Nẵng nhưng gió giật mạnh đã khiến nhiều cây xanh bật gốc, ngã đổ, nhiều tuyến đường bị ngập sâu khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương cùng nhân dân chằng chống nhà cửa để chống bão...

Tại Quảng Nam, 189 hộ dân ở những khu vực bị xói lở, khu vực vùng trũng thấp, nước chảy xiết ở các xã ven biển Duy Hải, Duy Nghĩa và Duy Vinh của huyện Duy Xuyên đã được di dời.

Các địa phương ven biển khác của tỉnh Quảng Nam như huyện Núi Thành, huyện Thăng Bình và thành phố Hội An cũng đang khẩn trương sơ tán các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền tối 14/9.

Công tác chằng chống nhà cửa đang được nhân dân thực hiện khẩn trương, đảm bảo an toàn. Lực lượng dân quân địa phương đã hỗ trợ tích cực công tác chằng chống nhà cửa đối với các hộ neo đơn, gia đình chính sách.

Chiều 14/9, 107 tàu với 2.683 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông báo thông tin về hướng di chuyển của bão số 3 để có biện pháp tránh trú bão an toàn. Tại khu vực đảo Cù Lao Chàm (thành phố Hội An) hiện có 16 tàu vận tại đang neo đậu.

Ông Nguyễn Quang Diệu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Hòa, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) cho biết tàu cá QNa 90208 có công suất 200 CV của ông Trần Công Tăng trú tại địa phương bị chìm khi đang vào neo đậu tránh bão số 3 đã được tạm thời kéo vào khu vực gần bờ trên sông Trường Giang ở thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa để đợi tiến hành trục vớt lên bờ sau khi bão đi qua.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp đi đôn đốc công tác ứng phó với bão số 3 tại một số nơi trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cùng với 5 huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, muộn nhất là vào 17 giờ ngày 14/9. Đến chiều 14/9 đã có hơn 883 tàu cá của ngư dân vào khu neo đậu trú bão an toàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cũng có công văn hỏa tốc yêu cầu các trường ở 14 huyện, thành phố trong tỉnh cho học sinh nghỉ học từ chiều 14/9 để ứng phó với cơn bão số 3 và chỉ đi học trở lại khi có thông báo chính xác từ Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi về tình hình bão không còn nguy hiểm.

Ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi cho hay, tại Quảng Ngãi hoàn lưu bão số 3 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại huyện đảo Lý Sơn; nhiều khu vực trong tỉnh đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 14/9 phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 200mm như tại Trà Khúc.

Tại Thừa Thiên-Huế, bão số 3 gây mưa to trên diện rộng. Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 13/9 đến 12 giờ ngày 14/9 tại trạm Thượng Nhật (sông Tả Trạch) là 88mm; trạm Khe Tre 100mm; trạm Huế 35mm; trạm A Lưới 48mm. Lưu lượng nước về hồ thủy điện Bình Điền là 14,6m3/s; thủy điện Hương Điền là 12m3/s và thủy điện A Lưới là 24m3/s.

Mưa liên tiếp trong đêm 13 và ngày 14/9 khiến mực nước trên sông Hương dâng cao. Kể từ chiều 14/9, các chuyến bay đi và đến Huế đều bị hủy. Ước hàng ngàn khách kẹt lại sân bay Phú Bài do ảnh hưởng của mưa bão.

Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu, phối hợp với các địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn liên lạc, đài trực canh để kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến chiều 14/9, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kêu gọi được 1.955 phương tiện với 10.823 lao động vào bờ neo đậu tại các khu tránh trú bão an toàn như Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền.

Để giúp người dân chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức trực ban 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến bão số 3 và tình hình mưa lũ để thông tin cho các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó.

Các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các đơn vị thi công, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện; nhất là hồ chứa Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch và A Lưới sẵn sàng các phương án phòng chống lụt bão khẩn cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục