Các trường tung chiêu “săn” thí sinh nguyện vọng 2

Trong khi các trường nhóm giữa và nhóm dưới lo lắng vì mặt bằng điểm năm nay thấp hơn mọi năm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại dự kiến điểm sàn sẽ tương đương với năm 2010.

Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, nếu Bộ vẫn giữ mức điểm sàn này, trường sẽ khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu và họ phải trông chờ rất nhiều vào nguồn tuyển nguyện vọng 2 và 3. Cùng với việc Bộ cho phép thí sinh được rút hồ sơ đã nộp vào trường này để nộp sang trường khác, “cuộc đua” tuyển nguyện vọng 2 và 3 năm nay dự báo sẽ khá căng.
Trong khi các trường nhóm giữa và nhóm dưới lo lắng vì mặt bằng điểm năm nay thấp hơn mọi năm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại dự kiến điểm sàn sẽ tương đương với năm 2010.

Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, nếu Bộ vẫn giữ mức điểm sàn này, trường sẽ khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu và họ phải trông chờ rất nhiều vào nguồn tuyển nguyện vọng 2 và 3. Cùng với việc Bộ cho phép thí sinh được rút hồ sơ đã nộp vào trường này để nộp sang trường khác, “cuộc đua” tuyển nguyện vọng 2 và 3 năm nay dự báo sẽ khá căng.

Dưới 13 điểm vẫn là thủ khoa

Mặc dù việc tuyển sinh nguyện vọng 1 vẫn còn chưa kết thúc nhưng rất nhiều trường đại học, cao đẳng đã công bố tuyển nguyện vọng 2 và 3.

Năm nay, Đại học Dân lập Hải Phòng có tới gần 1.300 thí sinh trên tổng số trên 2.000 em dự thi có tổng điểm ba môn thi đạt dưới 10 điểm, chiếm tỷ lệ 63%. Trong khi chỉ tiêu được Bộ giao của trường là 2.000 em thì chỉ có 753 thí sinh đạt tổng điểm ba môn từ 10 điểm trở lên. Tuy nhiên, nếu xét theo mức điểm sàn của Bộ năm 2010 là 13 điểm với khối A, D, 14 điểm với khối C và B, thì số thí sinh đạt yêu cầu còn giảm đi rất nhiều. Theo ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng, trường chắc chắn phải trông chờ nhiều vào nguồn tuyển nguyện vọng 2 và 3.

Đại học Đại Nam cho biết, trường tuyển tới 60% thí sinh ở nguyện vọng 2, 3. Đại học Dân lập Thăng Long cũng tuyển khoảng 60-70% chỉ tiêu ở nguyện vọng 2.

Tại Đại học Hà Hoa Tiên, tình hình còn ảm đạm hơn. Trường có 105 thí sinh dự thi thì có đến 80 thí sinh là thi nhờ để lấy kết quả dự tuyển sang trường khác. Thủ khoa của trường ở khối A cũng chỉ đạt 12,5 điểm, dưới mức điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2010 là 13 điểm. Nếu không có điểm cộng ưu tiên, ngay cả thủ khoa này cũng đứng trước nguy cơ trượt đại học. Để lấp đầy 300 chỉ tiêu, trường chỉ có một cách là tuyển nguyện vọng.

Tương tự, hàng loạt các trường, từ trường công lập đến ngoài công lập như Đại học Tây Nguyên, Đại học Tây Bắc, Đại học An Giang, Đại học Quy Nhơn, Đại học Đồng Tháp, Đại học Điện lực, Đại học Giao thông vận tải cơ sở II… đều rơi vào cảnh “ăn đong” thí sinh.

Lãnh đạo các trường này đều cho biết sẽ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, nghĩa là thấp hết mức có thể.

Các trường “tung chiêu”

Thông thường, các trường sẽ ồ ạt thông báo tuyển nguyện vọng 2 khi công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1, vào thời điểm sau ngày 8/8/2011, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn. Vì thế, để “đi tắt đón đầu”, tranh thủ tâm lý thí sinh ngay từ khi các em chưa bị bão hòa bởi thông tin tuyển nguyện vọng 2, 3, nhiều trường đại học đã “đánh tiếng” từ bây giờ.

Ngay khi công bố kết quả thi, Đại học Đại Nam cho biết trường dành tới 60% chỉ tiêu cho nguyện vọng 2. Để thông tin đến được với nhiều thí sinh hơn, những ngày qua, Đại học Đại Nam đã không ngừng đăng tải thông tin tuyển sinh này lên sóng truyền hình.

Viện tới nhà đài cũng là phương thức được Đại học Tân tạo áp dụng. Từ khi mới bắt đầu mùa tuyển sinh, Đại học Tân tạo đã gây “sốc” với thông báo cấp học bổng toàn phần cho toàn bộ sinh viên năm thứ nhất (chỉ tiêu được giao tuyển của trường là 500 em). Theo đó, sinh viên sẽ được miễn toàn bộ học phí, tiền ở ký túc xá trong năm học đầu tiên.

Để kịp thời “săn” thí sinh nguyện vọng 2, Đại học Tân tạo tiếp tục ra thông báo tặng học bổng toàn phần cho thí sinh trúng tuyển nguyện vọng vào trường.

Đại học Hà Hoa Tiên mới đây cũng “tung chiêu” để thu hút thí sinh đăng ký vào trường mình. Theo đó, trường sẽ “khuyến mại” học phí tháng đầu tiên cho các thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 vào trường, trong khi các thí sinh nguyện vọng 1 lại không được hưởng ưu sách này. Ngoài ra, trường còn thực hiện chính sách giảm học phí cho những học sinh đã học hệ cao đẳng có nhu cầu học liên thông lên đại học. Theo đó, thay vì phải đóng mức học phí 500.000 đồng/tháng, những học sinh này sẽ chỉ phải đóng 400.000 đồng/tháng. Theo tính toán của ông Phó Hiệu trưởng Văn Bá Thanh, lớp cao đẳng này có 84 em, nếu lấy học sinh từ loại khá trở lên học liên thông sẽ có khoảng 50 -60 em.

Theo lịch công tác tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 8/8 tới đây, Bộ sẽ họp và công bố điểm sàn./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục