Cách chống hạn, ngăn lũ chỉ bằng "Má khỉ" đặc biệt của Thái Lan

Chính quyền thủ đô Bangkok (Thái Lan) đang rất hy vọng khả năng chống chọi lại tình hình hạn hán, lũ lụt bằng việc triển khai một dự án với tên gọi Kaem Ling - “Má khỉ."
Cách chống hạn, ngăn lũ chỉ bằng "Má khỉ" đặc biệt của Thái Lan ảnh 1Dự án 'Má khỉ.' (Nguồn: weloveroyalty.com)

Chính quyền thủ đô Bangkok (Thái Lan) đang rất hy vọng khả năng chống chọi lại tình hình hạn hán, lũ lụt bằng việc triển khai một dự án với tên gọi Kaem Ling - “Má khỉ."

“Túi chứa nước” ở quận Bang Khu Thian

Chị Warangrat Chutikachusanapong, phóng viên của Văn phòng Tin tức Hoàng gia Thái Lan đưa chúng tôi đến quận Bang Khun Thian, một khu vực ngoại ô ở phía Tây thủ đô Bangkok.

Theo lời chị, ở đây chúng tôi sẽ được đi tham quan khu vực “Má khỉ,” một phần dự án quan trọng trong các kế hoạch dài hạn mà chính quyền thủ đô Bangkok đang dốc sức đầu tư nhằm kiểm soát nước, chống chọi với lũ lụt và hạn hán từ sau những đợt thiên tai xảy ra vào năm 1995.

Và cho đến khi trận lụt lịch sử xảy ra vào năm 2011 tại Bangkok, những dự án “Má khỉ” càng được triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

Hơn 20km đường di chuyển từ trung tâm thủ đô, ôtô đưa chúng tôi đến nơi mà chị Warangrat vừa giới thiệu.

Đã hơn ba giờ chiều, nhưng tiết trời tháng Tư ở Xứ sở Chùa vàng vẫn oi bức, ngột ngạt đến khó chịu với ánh nắng phả xuống gay gắt, nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40 độ C.

Bước ra khỏi xe, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi thấy được là một hồ nhân tạo nằm dọc theo con đường nhựa, được người Thái đào như một con kênh dẫn nước lớn với diện tích khoảng 500m2.

Ở phía bên kia hồ là một khoảng đất trống được phủ bóng mát bởi nhiều tán cây và ông Surart Jaroenchaisakul, Giám đốc bộ phận Phát triển hệ thống thoát nước chính của Bangkok cùng với cộng sự đã đứng chờ.

Ông Surart giới thiệu cho chúng tôi biết hồ này được xem như là một “túi chứa nước” để giải quyết vấn đề ngập lụt và hạn hán.

Ông Surart giải thích: “Chúng tôi bơm nước tại hệ thống kênh Phraya Ratchamontri vào những hồ chứa như thế này để tránh ngập lụt khi chịu các tác động như: thủy triều, mưa, nước đổ từ thượng nguồn phía Bắc. Sau khi tình hình ổn định trở lại, chúng tôi sẽ dần chuyển nước ra khỏi hồ và cho chảy lại vào hệ thống kênh. Đặc biệt là trước khi kết thúc mùa mưa lũ, chúng tôi sẽ chuyển nước vào “túi chứa nước” để dự trữ cho mùa hạn, cung cấp cho nhà máy xử lý nước và phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Chúng tôi gọi những hồ này là “Má khỉ” và đây là ý tưởng tuyệt vời của Nhà Vua chúng tôi. Ngài đã hình dung việc con khỉ trữ thức ăn ở hai bên má và hồ này chính là “cái má” đảm nhiệm vai trò dự trữ nước."

Được biết, hồ nhân tạo này có khả năng trữ nước lên đến 15.000m3 và theo lời ông Surart, trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa.

Tuy nhiên, đây là hồ nhỏ nhất trong 26 hồ được xây dựng tại các khu vực vùng ngoại ô thủ đô Bangkok.

Tính đến nay, sức chứa của 26 hồ đã lên đến 13 triệu m3 nước, trong đó khả năng trữ nước ở phía Tây khoảng 6 triệu m3, phía Đông khoảng 7 triệu m3 và đã góp phần giải quyết khá hiệu quả tình hình thiếu nước ngọt ở Bangkok trong bối cảnh Thái Lan đang trải qua mùa khô hạn nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Hiện tại, tình trạng nhiễm mặn tại các tỉnh ven biển cuối nguồn sông Chao Phraya, nguồn cung cấp nước chính của Bangkok, đã trở nên đáng báo động.

Cục Cấp thoát nước đô thị cho các vùng thủ đô Bangkok, Nonthaburi và Samut Prakan, cho biết độ mặn của sông Chao Phraya đã tăng lên mức cao, có nơi tăng đến 4,5 gram mỗi lít, gấp ba lần so với tiêu chuẩn.

Vì vậy, một số nguồn cung cấp nước phải sử dụng nước từ phía Tây và Đông của Bangkok.

Tuy nhiên, ông Surart cho biết thêm trên thực tế lượng nước cần quản lý nhiều hơn so với năng lực tích trữ.

Hiện tại chưa thể đảm bảo cho vùng đô thị và khoảng 20.000 rai (3.200ha) đất nông nghiệp của Bangkok chống chọi với tình hình ngập lụt cũng như hạn hán.

Ông Surart nói: “Như vậy để đảm bảo nhu cầu nước trong những năm tới, chúng tôi phải cần tới khả năng trữ nước tới 20 triệu m3. Chúng tôi quyết tâm trong vòng 2 năm tới sẽ đạt được mục này.”

Vành đai xanh

Trước khi trở về trở trung tâm thủ đô Bangkok, chúng tôi được nghe thêm một thông tin khá thú vị là chính quyền quận Bang Khun Thian đang triển khai kế hoạch xây dựng khu vực “vành đai xanh” bao quanh dự án “Má khỉ.”

Có thể hiểu rằng nơi đó sẽ trở thành khu sinh thái nhằm tạo nơi vui chơi giải trí công cộng cho người dân, đồng thời là vành đai bảo vệ những “túi chứa nước” này.

Ngay trong buổi trao đổi với ông Amorn Kitchawengkul, Phó Thị trưởng thủ đô Bangkok, ông đã chỉ cho chúng tôi xem bản đồ hai khu vực phía Đông và phía Tây bao quanh vùng đô thị Bangkok.

Theo lời ông Amorn, thông qua hệ thống dòng chảy tự nhiên, hệ thống “Má khỉ” cùng với hoạt động canh tác nông nghiệp ở hai khu vực này được xem là “vành đai xanh” với ý nghĩa rộng lớn hơn để bảo vệ thủ đô Bangkok.

Có thể nói khái niệm “vành đai xanh” là cách để người Thái Lan giải quyết những sai lầm trước đây do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, kéo theo đó là hiện tượng khai thác nước ngầm, làn sóng di dân và xây dựng tràn lan đã dẫn đến mỗi năm khoảng 2,8 triệu m3 nước ngầm được rút lên.

Hệ quả là trong 60 năm, Bangkok đã sụt lún 1,5-1,7m. Do vậy, thủ đô của Thái Lan trở thành một lòng chảo khổng lồ trước những cơn lũ từ thượng nguồn đổ về.

Còn hiện tại, trước tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dòng chảy thượng nguồn bị “bóp nghẹt” đã khiến cho thủ đô Bangkok là một trong những địa phương bị tác động nặng nề do xâm nhập mặn.

Ở Việt Nam, những khu vực đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác ở đồng bằng sông Cửu Long cũng vấp phải những sai lầm nói trên như ở Thái Lan.

Cũng theo kiểu phát triển hướng tâm và mở rộng đô thị theo vành đai của thập niên gần đây, việc san lấp dần các khu trũng tự nhiên ở các huyện ngoại thành để dành đất cho dân cư và nhà máy, các dòng sông bị thu hẹp dần, tốc độ khai thác nước ngầm gia tăng liên tục.

Chính vì thế, chúng tôi đã đặt nhiều câu hỏi đối với những chuyên gia về lĩnh vực thủy lợi Thái Lan và cho cả ông Phó Thị trưởng Bangkok về tính khả thi áp dụng dự án “Má khỉ” tại các khu vực đô thị ở Việt Nam.

Họ đều cùng quan điểm rằng, Việt Nam và Bangkok đều giống nhau về vấn đề đô thị hóa và dự án này hoàn toàn phù hợp để triển khai, bởi nó là một cách duy trì yếu tố tự nhiên để bảo vệ các vùng đã đô thị hóa.

Ông Amorn nói: “Tôi mong rằng ở Việt Nam sẽ ứng dụng cách làm này vì sẽ giải quyết các vấn đề về lũ lụt, hạn hán. Tôi thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới, như tại Hà Lan, họ cũng có cách làm gần giống như Thái Lan. Tuy nhiên. chi phí lớn nhất để thực hiện các “Má khỉ” chính là đất đai”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục