Cải tạo đê sông Hồng phải đảm bảo không thay đổi chức năng chống lũ

Mặc dù các phương án đã được tính toán, đề xuất khá kỹ lưỡng nhưng Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn chỉnh thiết kế giai đoạn cuối trước khi triển khai, đặc biệt là yếu tố phòng chống lũ.

Gần đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất phương án cải tạo mặt đê sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Sự việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận và nhân dân bởi vấn đề không chỉ dừng ở lĩnh vực giao thông, mà còn liên quan đến chức năng phòng chống lũ của con đê.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án

Với tầm quan trọng của công trình, gần đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trực tiếp kiểm tra và làm việc với thành phố Hà Nội về những vấn đề liên quan.

Phó Thủ tướng cho biết trên tinh thần, chủ trương là đồng thuận với đề xuất của Hà Nội, mặc dù các phương án đã được tính toán, đề xuất khá kỹ lưỡng, hợp lý nhưng Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn chỉnh thiết kế giai đoạn cuối trước khi triển khai, đặc biệt là yếu tố phòng chống lũ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết qua nhiều thời gian nghiên cứu và đề xuất phương án đã nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến các nhà khoa học, nhân dân trước khi làm. Đồng thời, quá trình triển khai nếu có vướng mắc, bất hợp lý sẽ đề xuất điều chỉnh đảm bảo tính khoa học, thuận tiện cho người dân, tiết kiệm, tạo cảnh quan đẹp, nhất là chức năng phòng chống lũ của đê không thay đổi.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định việc cải tạo này chỉ thay thế đê đất bằng đê bêtông mà không thay đổi cao trình và chức năng phòng chống lũ của đê, không trái với luật đê điều.

Qua tìm hiểu, hiện tại khu vực này có hai con đường chạy song song, phía trên là đường đê Nghi Tàm được đắp đất cao, bên dưới là đường ven các hộ dân. Hai con đường này cao thấp khác nhau rõ rệt, dẫn tới mặt cắt bị chia nhỏ; đi lại khó khăn, nhất là khi đi từ đường cao xuống đường thấp có độ dốc lớn, tạo sự xung đột, nguy hiểm bất ngờ. Vì vậy, việc hạ thấp đê đất Nghi Tàm để nhập hai con đường này thành một, tạo ra một con đường rộng lớn 30m sẽ góp phần đi lại thuận tiện trên trục đường vành đai quan trọng bậc nhất của thành phố.

Hà Nội sẽ làm bờ đê bằng bêtông cốt thép ở sát ven đường mở rộng, hướng mặt về phía bờ sông, với cao trình mặt đê bêtông này không thay đổi so với mặt đê đất như hiện nay (mặt của đê bêtông mới sẽ cao ngang mặt đường Nghi Tàm hiện nay).

Ngoài làm đường mở rộng, tại nút giao cắt ngã tư trục dọc Nghi Tàm, Yên Phụ giao nhau với cửa khẩu An Dương, đường Thanh Niên, nơi đây có lưu lượng xe rất lớn, sẽ làm cầu vượt giải tỏa nút tắc, được xem là một trong những công trình cấp bách cần giải quyết.


Không thay đổi cao trình và chức năng chống lũ

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, cho biết để triển khai thi công cầu vượt An Dương, phục vụ mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo nghiên cứu thận trọng. Trong quá trình xây dựng phương án đã lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, hội nghề nghiệp, cũng như ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và nhân dân vùng dự án.

Phương án hiện nay được Bộ cơ bản đồng ý là sẽ thay thế một phần đê đất bằng đê bêtông cốt thép và Hà Nội khẳng định cao trình đê bêtông cốt thép được giữ nguyên như mặt đê hiện nay và chức năng, mục tiêu phòng chống lũ không có gì thay đổi.

Trong quá trình thiết kế, tư vấn thiết kế đã phối hợp với một đơn vị tư vấn thiết kế chuyên ngành thủy lợi đưa ra giải pháp thiết kế đê bêtông cốt thép này đảm bảo thứ nhất về khả năng chịu lực, thứ hai là độ ổn định và thứ ba là yêu cầu phòng chống thấm theo quy định của đê điều. Phương án thiết kế đưa ra đảm bảo yêu cầu đó, sẽ giải quyết được vấn đề là cải tạo lại toàn bộ mặt cắt ngang của đoạn đê này. Hiện mặt cắt ngang của mặt đê là 11m, sẽ cải tạo, mở rộng các làn xe, tạo ra mặt cắt ngang mặt đường là 30m để xe cộ lưu thông thuận tiện và sẽ bố trí xây dựng cầu vượt tại đây.

Ông Tuấn giải thích thêm phương án này cũng giúp cho biện pháp tổ chức thi công và biện pháp tổ chức giao thông ở địa điểm này hợp lý hơn. Toàn bộ dân cư hai bên sẽ dễ dàng tiếp cận được đường giao thông cũng như tiếp cận được khu vực nút giao, bởi không còn độ dốc.

Hiện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thiết kế trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, hội nghề nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn chỉnh phương án hợp lý nhất và không làm tăng chi phí không cần thiết, hoàn thiện thiết kế lần cuối trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm triển khai dự án này.

Còn về giải pháp cảnh quan, khi xây dựng bờ đê bằng bêtông cốt thép, để tạo cảnh quan sẽ trồng các hàng cây xanh ở cả hai bên bờ đê, vừa bảo vệ môi trường, vừa làm đẹp đô thị.

Theo văn bản mới nhất trong tháng Hai này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất về việc thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu đê bêtông cốt thép đoạn đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Về phương án thiết kế đề nghị cao trình phần đê đất phía hạ lưu đê bêtông cốt thép ở cao trình +12,4m, Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, kích thước, quy mô kết cấu của đê bêtông cốt thép phù hợp theo các quy chuẩn, quy định hiện hành, đảm bảo an toàn chống lũ.

Ông Lê Mạnh Hiệp, Tổng giám đốc Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam, một trong những đơn vị tham gia thiết kế đoạn đê bêtông từ An Dương tới khách sạn Thắng Lợi, cho biết đơn vị đã từng tham gia tư vấn đoạn đê Yên Phụ trước đây, việc thay đoạn đê đất bằng đê bêtông là giải pháp tăng độ an toàn cho công trình trong công tác phòng chống lũ. Đặc biệt, vẫn giữa nguyên cao trình đỉnh đê trước đây và đảm bảo được chức năng chống lũ theo đúng yêu cầu.

Ông Đặng Quang Tính, nguyên Cục trưởng Cục đê điều Việt Nam, cho biết về mặt kỹ thuật và hiệu quả chống lũ, việc thay thế đê đất bằng đê bêtông để mở rộng đường giao thông không có ảnh hưởng gì so với đê đất. Cái lợi của việc làm này là mở rộng được con đường, mở rộng cảnh quan cho người dân, chống ách tắc giao thông thường xảy ra tại khu vực này. Bức tường đê vẫn bảo đảm cao trình chống lũ như đê đất hiện.

Ông Dương Quốc Thái, Bí thư Chi bộ 2, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, cho biết với góc độ một người dân rất mong có một cây cầu vượt ở đây, để giảm ách tắc. Con đường này nếu hạ thấp sẽ thuận tiện, người dân không phải đi chỗ cao, chỗ thấp và thực tế nhiều nơi trên thế giới làm đê bêtông không cần thiết phải to như trên nhưng vẫn đảm bảo.

Trung tá Lê Huy Chiến, Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, hiện nay tuyến đường Nghi Tàm-Yên Phụ và nút giao An Dương này mật độ giao thông rất cao vì đây là hướng tuyến từ Nội Bài, cầu Nhật Tân về Trung tâm Hà Nội và ngược lại nên lượng phương tiện giao thông rất lớn. Chủ trương của thành phố mở rộng và xây dựng cầu vượt tại nút giao này là rất tốt.

Theo ghi nhận của phóng viên và phản ánh của nhiều người dân xung quanh, do bờ đê đất được xây dựng rất lâu, nên mái đê đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi xuất hiện mối và ổ chuột khiến đê ngày càng rỗng và yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục