Cảm động chương trình “Sâu nặng ân tình” tri ân anh hùng-liệt sỹ

Từ cuối năm 2016, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị triển khai chương trình “Sâu nặng ân tình” nhằm tri ân các liệt sỹ, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ.
Cảm động chương trình “Sâu nặng ân tình” tri ân anh hùng-liệt sỹ ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao kết quả giám định ADN cho thân nhân liệt sỹ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tối 22/7, tại Hà Nội, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Chương trình “Sâu nặng ân tình.” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự chương trình.

Chương trình “Sâu nặng ân tình” có ba nội dung chính, gồm tổng kết cuộc thi viết về tấm gương Anh hùng-Liệt sỹ, những người vợ, người mẹ, người con liệt sỹ tiêu biểu, những gương sáng tri ân liệt sỹ của các tập thể và cá nhân; hoạt động tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sỹ; chương trình nghệ thuật Tri ân liệt sỹ “Sâu nặng ân tình.”

Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam Trung tướng Lê Văn Hân cho biết 70 năm qua, với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa,” Đảng và Nhà nước đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm động viên, chăm lo, hỗ trợ đối với người có công với đất nước, với cách mạng. Bằng sự nỗ lực của đồng bào và chiến sỹ cả nước, đến nay đã có nhiều hài cốt liệt sỹ được tìm thấy và được đưa về an nghĩ vĩnh hằng trong lòng quê hương, đất nước.

Từ cuối năm 2016, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam phối hợp với Báo Cựu chiến binh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương triển khai chương trình “Sâu nặng ân tình” nhằm tri ân các liệt sỹ, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ với các hoạt động như tổ chức cuộc thi viết về những người mẹ, người vợ, người con liệt sỹ tiêu biểu; tặng quà các gia đình liệt sỹ trong cả nước; tổ chức sự kiện nghệ thuật “Sâu nặng ân tình”...

Tại Chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan đã trao kết quả giám định AND xác định danh tính liệt sỹ cho các thân nhân liệt sỹ gồm bà Nguyễn Thị Chín, em gái liệt sỹ Nguyễn Văn Chương, quê quán xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội; ông Vũ Hữu Dục, em trai liệt sỹ Vũ Minh Đức, quê quán xóm 16, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; ông Nguyễn Văn Nhị, anh trai liệt sỹ Nguyễn Văn Đàn, quê quán thôn Tháp, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và ông Lê Văn Ngọc, cháu liệt sỹ Lê Nguyên Soái, quê quán xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Cảm động chương trình “Sâu nặng ân tình” tri ân anh hùng-liệt sỹ ảnh 2Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại chương trình. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ban Tổ chức cũng đã trao tặng 15 sổ tiết kiệm, 200 suất quà với tổng số tiền là 430 triệu đồng tặng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn tại một số địa phương trên cả nước.

Trong số 18 giải thưởng đoạt giải trong cuộc thi viết “Sâu nặng ân tình,” có ba giải tập thể được trao cho ba đơn vị có nhiều bài dự thi, gồm Hội cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam, Hội cựu chiến binh tỉnh Yên Bái, Hội cựu chiến binh thành phố Hải Phòng; hai giải Nhất trao cho tác giả Nguyễn Thanh Ba với tác phẩm “Nữ Anh hùng Ba Một,” tác giả Nguyễn Tiến Hải với tác phẩm “Hơn cả lời thề.”

Năm giải Nhì trao cho tác giả Hồ Văn Thông với tác phẩm “Lính quân y vào trận,” tác giả Trần Ngọc Long với tác phẩm “Người lữ hành lặng lẽ,” tác giả Trương Nguyên Tuệ với tác phẩm “Cành mai tặng chị,” tác giả Lê Hồng Lâm với tác phẩm “Chuyện về anh thương binh mù,” tác giả Trần Hoàng Tiến với tác phẩm “Ánh đèn khuya và dấu chân người thương binh nặng”...

Cuộc thi viết “Sâu nặng ân tình” được phát động ngày 1/9/2016 và kết thúc ngày 31/5/2017. Mang đậm tính nhân văn và ý nghĩa xã hội sâu sắc, Ban Tổ chức đã nhận được 2.158 bài dự thi của các tác giả gửi tới từ mọi miền của đất nước.

Mỗi bài viết, mỗi câu chuyện đều khắc họa hết sức xúc động về gương chiến đấu hy sinh anh dũng của các Anh hùng-Liệt sỹ; gương các thương binh “tàn nhưng không phế,” vượt lên đớn đau, thương tật, tiếp tục là những "chiến binh" quả cảm trong cuộc chiến chống đói nghèo...; những việc làm, những tấm gương bình dị mà cao quý trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa," góp phần làm đẹp thêm truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” “Đền ơn đáp nghĩa” của con người Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục