Cam sành của Hà Giang đã được mùa lại trúng giá

Đón tết cổ truyền Nhâm Thìn năm nay, bà con dân tộc thiểu số huyện Bắc Quang, Hà Giang có niềm vui lớn bởi cam được mùa lại trúng giá.
Đón tết cổ truyền Nhâm Thìn năm nay, bà con dân tộc thiểu số huyện Bắc Quang của tỉnh Hà Giang có niềm vui lớn bởi cam được mùa lại trúng giá.

Dạo quanh những hộ trồng cam trong những ngày đầu xuân mới, hầu hết các hộ đều rất phấn khởi đón cái Tết cổ truyền vui vẻ, đầm ấm bởi thu nhập từ cây cam năm nay cao hơn so với những mùa vụ trước.

Cũng như bao gia đình trồng cam ở huyện Bắc Quang, năm nay gia đình anh Phạm Đình Lân - một trong những hộ trồng nhiều cam nhất ở xã Vĩnh Hảo, mãn nguyện khi vườn cam thu hoạch được trên 100 tấn quả, thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Ông Lân cho biết, có rất nhiều thương lái đến tận vườn thu mua cam với giá từ 7.000-8.000 đ/kg, tăng hơn 3.000 đồng so với mùa vụ trước. Trong những ngày giát Tết Nguyên đán, cam đẹp bán tại vườn được giá từ 10.000-12.000 đ/kg. “Chưa năm nào cam sành Bắc Quang vừa giá cao lại dễ bán như năm nay,” ông Lân phấn khởi nói.

Ở xã Vĩnh Hảo, còn có rất nhiều hộ gia đình trồng cam mang lại thu nhập cao. Vườn cam của gia đình anh Trần Văn Ứng ở thôn Vĩnh Chính có gần 3 ha cam, Tết năm nay, gia đình anh thu hoạch hơn 30 tấn cam; thu nhập từ vườn cam khoảng 360 triệu đồng. Không hề nghỉ Tết, nhiều thương lái ở các nơi đã đổ về các xã Vĩnh Hảo, Việt Hồng, Tân Thành để “săn” cam đem về Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác bán phục vụ nhân dân thưởng thức cam sành Hà Giang dịp Tết cổ truyền.

Bắc Quang là huyện vùng thấp nằm ở cửa ngõ của tỉnh Hà Giang, có diện tích tự nhiên trên 110.000 ha, dân số trên 120.000 nhân khẩu của 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; cam sành nơi đây là sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước biết đến, bởi hương thơm, vị ngọt đậm đà.

Hiện huyện Bắc Quang có tổng diện tích trồng cam gần 4.000 ha, với sản lượng trên 21.500 tấn, tương đương với giá trị sản lượng khoảng 165 tỷ đồng. Cây cam đã góp phần giúp nhiều hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số của Bắc Quang có cuộc sống no ấm, ổn định, thoát nghèo vươn lên trở thành khá giả. Nghề trồng cam cũng góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động.

Cam sành Bắc Quang mỗi năm có một vụ chín vào dịp Tết Nguyên đán; chính vì thế, cứ mỗi độ Xuân về cam sành Bắc Quang theo chân các thương lái cung cấp cho thị trường đất nước một sản vật quý, một thứ quả được trưng bày trên mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ gia tiên trong ngày tết; là thức ăn, nước uống bổ dưỡng trong bữa ăn người Việt.

Để duy trì và giữ vững uy tín thương hiệu cam sành Hà Giang, huyện Bắc Quang đã thành lập Hiệp hội cam sành. Hội thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền; vận động hội viên duy trì diện tích, đẩy mạnh việc chăm sóc, trồng mới bằng giống cam sạch bệnh.

Hội tích cực quảng bá thương hiệu cam sành, đẩy mạnh việc thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) nhằm định hướng cho người trồng cam; tháo gỡ những khó khăn từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ.

Đặc biệt, thương hiệu cam sành Hà Giang đã được đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu cam sành hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận. Chính vì vậy, cam sành Hà Giang đã được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến bởi chất lượng sản phẩm. Hiện cam sành Hà Giang đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn và chợ đầu mối Long Biên ở Thành phố Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hoàng Quang Phùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Quang cho biết, xác định cây cam là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, năm 2012 huyện Bắc Quang sẽ ưu tiên phát triển, mở rộng diện tích trồng cam; phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện sẽ có khoảng 5.500 ha cam.

Ủy ban Nhân dân huyện sẽ quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ gia đình trồng cam như tạo cơ chế thông thoáng, chính sách hỗ trợ cho người dân về khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục