Campuchia lập khu kinh tế đặc biệt tại tỉnh Preah Sihanouk

Campuchia đã lựa chọn tỉnh Preah Sihanouk là nơi xây dựng khu kinh tế đặc biệt, để thu hút vốn đầu tư và tạo cơ hội phát triển kinh tế.
Campuchia lập khu kinh tế đặc biệt tại tỉnh Preah Sihanouk ảnh 1Trung tâm thương mại của tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia. (Nguồn: wikipedia)

Campuchia đã lựa chọn tỉnh Preah Sihanouk là nơi xây dựng khu kinh tế đặc biệt, để thu hút vốn đầu tư và tạo cơ hội phát triển kinh tế, trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm nay.

Theo ông Sok Chanda Sophia, Tổng thư ký Hội đồng phát triển Campuchia (CDC), Campuchia sẽ xây dựng tỉnh Sihanouk trở thành động lực cho nền công nghiệp Campuchia trong thời gian tới. Tỉnh này hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước như sân bay, bến cảng nước sâu, đầu mối giao thông đường sắt...

Tại cuộc gặp mới đây giữa Bộ trưởng Thương mại Sun Chan Thol với người đồng cấp Trung Quốc Cao Hổ Thành, Campuchia cũng đã kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào khu kinh tế đặc biệt tại tỉnh Sihanuok trong thời gian tới, cũng như đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc nối liền Phnom Penh với thành phố Sihanouk.

Chính phủ Campuchia đã thực hiện việc xây dựng các trục khu kinh tế từ năm 2006 như Phnm Penh-Bavet, Phnom Penh-Poi Pet và Phnom Penh-Sihanouk và thành lập 30 khu kinh tế đặc biệt trên toàn quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có 13 khu kinh tế có các hoạt động đầu tư kinh tế, với 215 công ty chủ yếu thuộc lĩnh vực lắp ráp điện tử, cắt may và sản xuất giày dép xuất khẩu. Nguyên nhân nhiều khu kinh tế chưa đi vào hoạt động là do thiếu thốn các điều kiện liên quan như hệ thống giao thông vận tải nối liền, điện, nước và hệ thống thông tin điện tử.

Theo ông Xavier Forneris, chuyên gia về đầu tư của Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Campuchia đã có những nỗ lực trong việc sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Campuchia.

Tuy nhiên, ngoài việc kêu gọi nhà đầu tư, Campuchia cần coi trọng việc giữ được các nhà đầu tư ở lại sau khi họ đã đầu tư vào nước này. Điều này sẽ đảm bảo để đầu tư bên ngoài vào trong nước được ổn định và bền vững.

Theo báo cáo của CDC, Nhật Bản đã đầu tư khoảng 678 triệu USD tại Campuchia. Trong khi đó, số vốn đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia là trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm nay, do bị tác động bởi sự mất giá của đồng yen Nhật Bản và đồng ​nhân dân tệ của Trung Quốc, tổng giá trị đầu tư của hai nước này đều giảm so với năm trước.

Theo thống kê của CDC, trong năm 2014 tổng giá trị đầu tư vào Campuchia đạt trên 3,9 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đầu tư 953 triệu USD, Malaysia 85 triệu USD và Nhật Bản là 67 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục