Cần cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các bộ, ngành cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc xã hội hóa, xây dựng cơ chế để hấp dẫn nhà đầu tư nhằm phát triển các công trình hạ tầng giao thông.
Cần cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ảnh 1Ông Trịnh Đình Dũng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 21/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải đã quyết liệt, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình đầu tư các công trình, dự án trọng điểm của ngành Giao thông cần được khắc phục như: công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án, chất lượng, năng lực của nhà thầu còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chậm triển khai...

Về khó khăn trong bố trí vốn, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc xã hội hóa, xây dựng cơ chế để hấp dẫn nhà đầu tư nhằm phát triển các công trình hạ tầng giao thông.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý công trình trọng điểm thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm chi phí đầu tư, trong đó yêu cầu lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thi công hợp lý, đồng thời tăng cường kiểm soát đấu thầu, kiểm soát giá, định mức xây dựng.

Ngành Giao thông cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các địa phương để kịp thời giải quyết cơ chế, chính sách, giám sát quản lý tiến độ, chất lượng công trình, tiến độ giải phóng mặt bằng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù để triển khai các dự án trọng điểm giao thông, đối với những dự án đang triển khai, các dự án sắp triển khai.

Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu chủ động đề xuất các dự án mới; nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các doanh nghiệp BOT phát triển hạ tầng giao thông; tập trung xã hội hóa, xây dựng cơ chế để cùng các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư, nâng cao năng lực nhà thầu; rà soát lại toàn bộ tiến độ của các dự án trọng điểm để có kế hoạch chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục đầu tư, sớm tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án công trình giao thông, đặc biệt là các dự án ODA; trên cơ sở khả năng bố trí của ngân sách để có kế hoạch huy động thêm nguồn lực ngoài xã hội.

Bộ Tài chính cần giải quyết những vướng mắc trong công tác giải ngân, công tác tạm ứng hợp đồng, đặc biệt đối với các dự án ODA, tăng cường công tác kiểm soát vốn đầu tư.

Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải cần có báo cáo cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở từng công trình, dự án cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục