Cần cơ chế thông thoáng để đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa

Theo đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn, nếu có cơ chế thông thoáng thì kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020 sẽ được thực hiện đúng lộ trình.
Cần cơ chế thông thoáng để đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Gần đây, Chính phủ đã đưa ra những tiêu chí rất cụ thể để siết lại những doanh nghiệp nào nên để lại và những doanh nghiệp nào nên cổ phần hóa.

Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV với phóng viên TTXVN, Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, từ nay đến năm 2020, các doanh nghiệp dù có khó khăn trong quá trình xác định giá trị thì cũng được tiến hành, nếu như doanh nghiệp đó thuộc diện cổ phần hóa.

- Ông đánh giá thế nào về việc quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua?

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Thời gian qua, trong chỉ đạo điều hành thực hiện cổ phần hóa có sự quyết liệt nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn vướng rất nhiều về cơ chế chính sách.

Nếu như trước đây, giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2005, việc cổ phần hóa diễn ra rất nhanh do chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ hoạt động tương đối hiệu quả, tiếp đến là việc thẩm định, định giá khá tốt và cơ chế chính sách của chúng ta thay đổi kịp thời nếu có vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đối với nhiều doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động giảm xuống nhiều. Một phần trong số các doanh nghiệp còn lại làm ăn kém hiệu quả.

[Sau 5 tháng, tiến độ cổ phần hóa-thoái vốn doanh nghiệp vẫn ì ạch]

Hơn nữa, quy trình về định giá, thẩm định giá theo giá thị trường như hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Gần đây, quyết tâm của Chính phủ đã đưa ra nhiều tiêu chí rất cụ thể để siết lại những doanh nghiệp nào nên để lại và những doanh nghiệp nào nên cổ phần hóa.

Tôi cho rằng, từ nay đến năm 2020, các doanh nghiệp còn lại dù có khó khăn trong quá trình xác định giá trị cũng sẽ được cổ phần hóa nếu như doanh nghiệp đó thuộc diện cổ phần hóa.

Và Chính phủ cũng sẽ có cơ chế để tháo gỡ về xác định giá trị doanh nghiệp, kể cả những vấn đề liên quan đến thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp mà đã cổ phần hóa. Có thể cho thoái vốn ở mức dưới giá xác định…

Nếu chúng ta có cơ chế thông thoáng thì quá trình cổ phần hóa sẽ được đẩy mạnh hơn. Như vậy, chúng ta sẽ thực thi đúng lộ trình và kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ đến năm 2020.


- Thưa ông, Thành phố Hồ Chí Minh là Trung tâm tài chính của cả nước nhưng vì sao công tác cổ phần hóa lại khó thực hiện?

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Đó là bài toán đã được đặt ra. Khi doanh nghiệp muốn cổ phần hóa hay doanh nghiệp muốn thoái vốn thì họ mong muốn bán được phần vốn Nhà nước có giá trị tương đối cao.

Phía Nhà nước cũng mong muốn điều này. Mặc dù có cơ chế bán dưới mệnh giá nhưng thực sự nền kinh tế khó khăn vừa qua cũng ảnh hưởng, khiến các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và tác động đến nền kinh tế trong thời gian qua. Theo tôi, trong thời gian tới, dù mức giá như thế nào cũng phải thoái vốn hết đối với những ngành nghề Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Khi đó, Nhà nước sẽ có cơ chế mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài để họ đầu tư vào các doanh nghiệp đã cổ phần hóa ở Việt Nam, hay mở room cho các đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ vốn các doanh nghiệp mà họ đã đầu tư.

Tức là những cơ chế đó sẽ làm cho cầu của các nhà đầu tư nước ngoài tăng lên thì sẽ kéo theo kích cầu nhà đầu tư trong nước. Từ đó kéo theo sức lan tỏa, tạo ra tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước, đặc biệt với thị trường chứng khoán. Khi đó, doanh nghiệp sẽ thoái vốn nhanh hơn và sự phát triển của thị trường chứng khoán tốt hơn.

- Theo ông, chúng ta cần có cách gì để doanh nghiệp tham gia IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hay tham gia mua cổ phần cũng như mua cổ phiếu nhiều hơn?

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều quyết sách để cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư; trong đó, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tạo môi trường đầu tư tốt cho các doanh nghiệp bằng các Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp phát triển….

Hay ở Trung ương cũng đang có những quyết sách triển khai xuống địa phương, địa phương cũng đang cụ thể hóa và triển khai những Nghị quyết của Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn; trong đó, có cải thiện tốt về thủ tục hành chính; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận vốn tín dụng dễ hơn; và cộng với thị trường tiền tệ, thị trường vốn đang có đà phát triển; thị trường tiền tệ ổn định về mặt lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã bình ổn về lãi suất, không để lãi suất cho vay tăng lên, cộng với tỷ giá ổn định thì đó là những yếu tố tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp tham gia tiếp cận nguồn lực và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Tôi thấy, mua bán theo cách nào cũng phải đảm bảo công bằng, minh bạch cũng như quyền lợi ngang bằng cho tất cả các nhà đầu tư. Nhà nước sẽ chỉ xem xét nếu doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà đầu tư chiến lược, đồng thời có chính sách khuyến khích nếu doanh nghiệp mua rất nhiều cổ phần. Như vậy, doanh nghiệp đó được coi như là nằm trong điều kiện thỏa mãn là nhà đầu tư chiến lược.

Còn lại tất cả việc mua bán của các doanh nghiệp đều được đưa ra thị trường, thông qua sàn giao dịch, doanh nghiệp không tự thỏa thuận mua bán với nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục